Thanh Hóa chìm trong nước lũ

13:27, 04/08/2015
|

Tình hình lũ lụt trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn đang diễn biến phức tạp, hàng trăm nhà dân bị nhấn chìm trong nước lũ và có nguy cơ bị cô lập. Đã có những thiệt hại về tài sản do mưa lũ gây ra trên địa bàn.
 
Tính đến chiều ngày 3/8, mưa lũ vẫn khiến gần 100 ngôi nhà trên địa bàn huyện Quan Hóa bị ngập và có nguy cơ chìm trong nước lũ. Các hộ dân này đã được lệnh di chuyển người, tài sản và vật nuôi đến nơi an toàn.

Ảnh minh họa

Người dân sử dụng bè mảng đi lại trong vùng bị ngập lụt


Hiện nước lũ đang có dấu hiệu rút xuống nhưng rất chậm, do nước từ thượng nguồn vẫn đổ về nhiều. Nhiều nhà dân, công sở bị ngập nước, giao thông ở nhiều vùng đi lại rất khó khăn do nước lũ chia cắt. Cây cầu của thủy điện Hồi Xuân bắc qua sông Mã bị nước lũ làm hư hỏng nặng.
 
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của đợt mưa nhiều ngày qua cộng với nước từ thượng nguồn đổ về lớn, mực nước sông Mã dâng cao đã làm gần 100 hộ dân trên địa bàn các huyện miền núi Quan Hóa, Cẩm Thủy, Mường Lát ngập sâu trong nước, hàng chục hộ dân khác có nguy cơ bị cô lập.
 
Trước tình hình trên, các hộ bị ngập và có nguy cơ ngập đã được di dời đến nơi an toàn, tập trung chủ yếu ở xã Trung Thành, Thành Sơn, Phú Sơn, Phú Xuân, Hồi Xuân, Phú Lệ (huyện Quan Hóa); Cẩm Long, Cẩm Lương, Cẩm Thành (huyện Cẩm Thủy); trạm y tế xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) cũng đang bị nước lũ nhấn chìm.
 
Tuyến đường quốc lộ 15C qua địa bàn xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát bị sạt lở 3 điểm thuộc các bản Chiêm, bản Bá Hộc, bản Chặt với khối lượng đất đá bị sạt hơn 2.000 m3; 2 nhà dân trên địa bàn huyện này cũng bị đất đá sạt lở làm hư hỏng. Tuyến đường 15A cũng đang bị chia cắt nhiều đoạn khiến giao thông đi lại rất khó khăn.
 

Ảnh minh họa

Nhiều nhà dân ngập chìm trong nước lũ


Mưa lũ cũng đã làm ngập cây cầu qua bản Éo, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa. Hiện người dân đang phải sử dụng bè mảng để đi lại. Hàng nghìn ha lúa, hoa màu của người dân đã bị nhấn chìm, có nguy cơ mất trắng. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, hiện chưa có thiệt hại về người do mưa lũ trên địa bàn.
 
Đến 17h ngày 3/8, tình hình mưa lũ trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn đang diễn biến phức tạp. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện trong vùng bị ảnh hưởng đang tập trung cử cán bộ trực tiếp đến các khu vực bị ngập nắm bắt tình hình và chỉ đạo công tác phòng chống lũ.

Ảnh minh họa

Cây cầu thủy điện Hồi Xuân bị nước lũ làm hư hỏng.


Ở một diễn biến khác, do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài nhiều ngày qua cộng với lượng mưa từ thượng Lào đổ về lớn nên mực nước dâng hồ thủy điện Bá Thước 2, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) lên cao trên báo động I (40,5 m). Để đảm bảo an toàn cho hồ, đồng thời tránh tình trạng xả lũ đột ngột, từ ngày 31/7 đến 15h ngày 4/8, Công ty Cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa thực hiện xả lũ hồ thủy điện Bá Thước 2.
 
Việc xả lũ được đơn vị này thực hiện bằng hiệu lệnh 3 hồi còi, mỗi hồi còi kéo dài 20 giây và cách nhau 10 giây trước 30 phút khi xả nước. Các huyện vùng hạ lưu Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa và các xã lân cận hồ chứa thủy điện thông báo khẩn tới người dân và các thôn nằm dọc bờ sông Mã chủ động bảo vệ người, tài sản, cây cối hoa màu, vật nuôi, thủy hải sản…
 
Trong khoảng thời gian trên, người dân được khuyến cáo tuyệt đối không đi lại, vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao, nước chảy xiết, những vị trí đã được cắm biển báo cảnh báo lũ. 


(Dân Trí)

Ý kiến bạn đọc