>> Điều tra xe quá tải, hai phóng viên bị hành hung
>> Hà Nội "bất lực" với hàng trăm xe quá tải "phá" đê?
Chiều 4/8, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Thượng Tá Nguyễn Thanh Hải cho biết, sau khi báo chí đăng tải tin bài phản ánh về tình trạng xe tải, đặc biệt các xe có tải trọng lớn vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, Phòng PC 67 đã tập trung chỉ đạo các đơn vị lập các tổ làm việc 24/24, được trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, cân trọng tải, thước dây…
Trong gần một tháng ra quân (từ 3/7 - 31/7), Phòng PC67 đã kiểm tra, xử lý 2.808 trường hợp xe tải vi phạm, phạt hành chính tiền khoảng 1,9 tỷ đồng, tạm giữ 18 phương tiện, 2.718 bộ giấy tờ, tước 342 giấy phép lái xe với các hành vi chủ yếu là đi vào đường cấm, dừng đỗ sai quy định, chở vật liệu rơi vãi… Cũng theo ông Hải, trong thời gian tới lực lượng CSGT sẽ tổ chức tuyên truyền, kết hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Việc bố trí lực lượng sẽ được tập trung tại các tuyến trục chính, cửa ngõ ra vào thành phố. Đồng thời thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, chủ động phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm chớp nhoáng khi không có mặt CSGT”, ông Hải thông tin.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi có hay không tình trạng bảo kê “xe vua”, khi mà tình trạng các xe trộn bê tông đi vào giờ cấm, phố cấm vẫn diễn ra phổ biến, kể cả trong giờ cao điểm mà không bị xử lý? Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Sở đã phối hợp với các lực lượng chức năng CATP, công an các địa phương giao lực lượng thanh tra xuống rà soát hiện tượng nói trên. “Qua kiểm tra, đến giờ phút này chưa phát hiện một trường hợp nào có biểu hiện rõ ràng về việc “bảo kê”. Tuy nhiên việc này chúng ta vẫn phải ráo riết, cương quyết làm và phải làm triệt để. Tất cả những trường hợp phát hiện vi phạm, bảo kê “xe vua” chúng tôi sẽ xử lý triệt để” – ông Linh khẳng định.
|
Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải Nguyễn Hoàng Linh tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 4/8 |
Cũng theo Phó giám đốc Sở GTVT, qua kiểm tra cũng phát hiện một số xe có ghi chữ ở trên kính, nói rằng xe này được phép chạy giờ này, giờ kia. “Bản thân tôi đã đi tuần buổi đêm, các trường hợp đó đều chụp ảnh, rồi phối hợp với CSGT kiểm tra xem có đúng xe này được đi vào thời điểm như thông báo trên kính xe không”. Theo ông Linh, đây là một sự lợi dụng của một số doanh nghiệp, chủ phương tiện. Sau một thời gian ra quân triển khai, đến thời điểm này tình trạng trên không còn nữa.
Liên quan đến tình trạng xe trộn bê tông vào phố cấm, ông Linh cho biết, loại xe này chỉ được đi vào phố chính sau 21 giờ. Khoảng 60 – 70% các con phố hiện nay cấm xe tải chứ không phải xe trộn bê tông. Do hu cầu xây dựng là có nên chúng tôi vẫn phải cấp giấy phép lưu thông cho xe trộn bê tông, nhưng phải đi vào giờ nhất định chứ không phải tùy tiện. Nếu cấm xe trộn bê tông thì các hoạt động xây dựng sẽ bị đình trệ”. Đối với các loại xe chạy ngoài giờ quy định, ông Linh lý giải, do có một số công trình an ninh quốc phòng bên quân đội, công an yêu cầu công trình đó phải gấp rút hoàn thành nên buộc phải cho hoạt động không phải giờ cho phép.
Liên quan đến hiện tượng lái xe đường dài từ Hà Nội đi các tỉnh có tình trạng vượt ẩu tranh giành khách, ông Linh cho biết, sắp tới đây sẽ triển khai lắp GPS tới tất cả các đầu xe và phát tín hiệu tập trung về sở GTVT để quản lý. Nếu xe nào vi phạm, chủ doanh nghiệp quản lý xe đó sẽ bị phạt nặng.
Tương tự, với những trường hợp lái xe quá tải khi bị phát hiện nhưng cố tình chống đối người thi hành công vụ bằng cách khóa cửa xe bỏ đi, cơ quan chức năng sẽ không "bó tay" mà ghi lại hình ảnh rồi tiến hành xử phạt đối với doanh nghiệp có xe vi phạm.
|
Xe quá tải hoành hành giữa Thủ đô - ảnh: GTVT |
Nhiều bất cập về xử lý xe quá tải
Báo cáo tại giao ban Thành ủy, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh cho biết, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện, Sở GTVT Hà Nội đã nhận thấy có nhiều bất cập. Theo đó, một số chủ phương tiện đã tự nguyện cắt giảm thể tích thùng xe, mang xe đến khám lưu hành nhưng Trung tâm đăng kiểm không đồng ý khám hoặc vẫn bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt với lý do tự ý thay đổi kích thước thùng hàng. Do vậy, chủ phương tiện phải tiến hành khôi phục lại kích thước ban đầu để lưu hành.
Một tồn tại nữa được ông Linh nhắc đến, đó là các đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa không phải trang bị cân để kiểm soát tải trọng hàng hóa trước khi vận chuyển (chỉ ước lượng) nên chủ phương tiện mặc dù không vi phạm kích thước thành thùng, chở hàng bằng phương tiện thành thùng nhưng khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, phương tiện đó vẫn bị xử lý vi phạm vượt quá tải trọng cho phép.
Ngoài ra, do không thống nhất kích thước thùng hàng đối với phương tiện có cùng nhãn hiệu, chủng loại (được đăng ký, đăng kiểm trước và sau Thông tư 32) đã làm ảnh hưởng đến chất lượng vận tải, gây cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải.
Trước tình trạng này, Sở GTVT đã kiến nghị, đề xuất với Bộ GTVT ban hành văn bản quy định đối với các đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa (các Doanh nghiệp có kho hàng, nhà ga, bến cảng, bến bốc xếp, mỏ khai thác, bãi khai thác vật liệu) phải có trạm cân để tự kiểm soát tải trọng hàng hóa bốc xêp và phải có phiếu vận chuyển (ghi rõ biển số, chủng loại, trọng tải phương tiện, loại hàng hóa....) trước khi phương triện tham gia giao thông.
Sở cũng kiến nghị Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn chi tiết và thống nhất các thông số kỹ thuật đối với từng nhãn hiệu, chủng loại phương tiện, kể cả phương tiện được đăng ký, đăng kiểm trước và sau Thông tư 32 nhằm tạo điều kiện cho chủ phương tiện sau khi đã tự nguyện cắt giảm thành thùng, đảm bảo bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô, chỉ đạo các lực lượng chức năng không xử lý vi phạm tự ý thay đổi kết cấu đối với phương tiện tự nguyện cắt giảm kích thước thành thùng hàng.
Đối với các doanh nghiệp, hộ cá thể có phương tiện tái vi phạm các quy định về tải trọng hàng hóa và kích thước thùng hàng, Sở Giao thông Hà Nội kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp, hộ cá thể đó phải cắt giảm thể tích thùng xe đối với toàn bộ phương tiện thuộc đơn vị đó (kể cả phương tiện trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư 32 về kích thước theo quy định tại Thông tư 42.
Ý kiến bạn đọc