(VnMedia) - Tại cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy với các ngành, địa phương để nắm tình hình mưa lũ và triển khai khắc phục thiệt hại, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản; huy động sức mạnh tập thể khắc phục thiệt hại do thiên tai.
>> Tháng 8, Bắc Bộ có 3-4 đợt mưa to
Hiện nhiều ngôi nhà tại Bản Sen vẫn ngập chìm trong nước. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Quảng Ninh.
Báo cáo tổng hợp cũng như báo cáo của các ngành, địa phương tổng hợp tại cuộc họp đều nhận định: Trận mưa lớn, kéo dài liên tục trên diễn rộng đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh là một trận mưa lịch sử với lượng mưa đo được đạt kỷ lục trên 1.500mm.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tham gia công tác cứu hộ bão lũ tại Quảng Ninh. Ảnh từ facebook Bố Bé Cốm.
Tỉnh Quảng Ninh đã hết sức tích cực vào cuộc nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cả về người và tài sản. Với sự quan tâm giúp sức của các lực lượng và sự đoàn kết, hỗ trợ của nhân dân, rất nhiều công việc khẩn cấp được triển khai thực hiện kịp thời như di chuyển toàn bộ các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm về nơi an toàn, đồng thời bảo vệ tài sản khu vực di chuyển, đảm bảo an ninh trật tự khu vực; quyết định phương án khẩn cấp khắc phục sự cố đường ống D800 (dự kiến sáng ngày 04/8/2015 cấp nước trở lại) và quyết định cấp nước sạch miễn phí cho các hộ dân nơi bị ngập lụt khi có yêu cầu tại Hạ Long, Cẩm Phả; di chuyển an toàn 3.691 khách du lịch mắt kẹt tại Cô Tô về đất liền; quyết định vị trí khu tạm cư và tái định cư cho 94 hộ dân khu K4 phường Mông Dương, Cẩm Phả; chỉ đạo và phối hợp với ngành Than tập trung xử lý khắc phục sự cố khu Đập 790, mỏ Mông Dương và mỏ Quang Hanh đảm bảo an toàn.
Lũ lớn chia cắt thôn Nà Na và thôn Bản Sen khiến 27 hộ dân với 85 nhân khẩu bị cô lập.
Tỉnh cũng đã quyết định các chính sách hỗ trợ cho hộ dân nơi bị ngập lụt về nhà ở, chế độ đối với người chết, người bị thương, hỗ trợ phục hồi sản xuất...
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của các lực lượng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cũng như công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
Do dự báo thời tiết còn tiếp tục diễn biến bất thường, nhiều nguy cơ về sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét… còn tiềm ẩn, đồng chí chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra điều kiện an toàn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ lũ quét, lũ ống do mưa lũ thượng nguồn gây ra; kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn; bố trí điều kiện sinh hoạt tạm cho người dân trong thời gian tạm thời di dời và nghiên cứu, bố trí điểm tạm cư lâu dài với những hộ dân đang sinh sống những nơi thường trực nguy hiểm về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... Đặc biệt cấm người dân tự ý vớt gỗ, than trôi trên sông suối. Địa phương nào tiếp tục để xảy ra những thiệt hại lớn về người và tài sản do nguyên nhân chủ quan, người đứng đầu địa phương đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Ảnh từ facebook Bố Bé Cốm.
Đối với việc khắc phục hậu quả sau thiên tai, đồng chí yêu cầu đảm bảo giao thông thông suốt, dọn dẹp sạch các tuyến đường, tìm nguyên nhân và xử lý dứt điểm những khu vực thường xuyên ngập lụt. Các tổ chức, đoàn thể tập trung huy động lực lượng tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường cùng người dân. Đối với các công trình bị hư hại, xuống cấp sau mưa lũ, đồng chí yêu cầu các địa phương chủ động lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp theo thứ tự ưu tiên.
Đối với những chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do mưa lũ, ông Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo phải thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch trên tinh thần mức hỗ trợ của tỉnh là mức tối đa, các địa phương, cơ sở cần có rà soát cụ thể để áp dụng trong thực tế một cách công bằng, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Đọc cũng chia sẻ những thiệt hại, khó khăn của ngành than và đề nghị các đơn vị tập trung bố trí thiết bị để tăng cường bơm thoát nước, tháo khô mỏ, củng cố đường lò, sửa chữa đường giao thông nội mỏ, khơi thông rãnh thoát nước, dọn dẹp nhà xưởng, mặt bằng sản xuất, củng cố thiết bị để sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người lao động.
Nhấn mạnh ý nghĩa của việc huy động sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ông Nguyễn Văn Đọc yêu cầu trong tất cả các việc từ công tác cứu trợ nhân dân, sửa chữa các công trình công cộng đến công tác vệ sinh môi trường, cần huy động sức mạnh của toàn xã hội, của tất cả các lực lượng và nhân dân trong tỉnh để người dân sớm ổn định cuộc sống, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, phát triển.
Ý kiến bạn đọc