Lý giải tận cùng "giấc mộng Trung Hoa"

19:29, 27/08/2015
|

(VnMedia) - Cuốn sách “Sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông” vừa được ra mắt đã đi sâu lý giải tận cùng "giấc mộng Trung Hoa"…
 
Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa ra mắt cuốn sách “Sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông do nhóm tác giả GS.TS Trần Ngọc Vương (chủ biên) - TS Trần Công Trục  - TS Đinh Hoàng Thắng biên soạn.

Ảnh minh họa

Bìa cuốn sách


Cuốn sách nhằm giúp cho đại đa số độc giả có được những hiểu biết trung thực, khách quan về Biển Đông và chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, từ đó phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng biển và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc,
 
Cuốn sách gồm 3 phần: Lộ trình hiện thực hóa tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông; Cơ sở lịch sử - pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vi phạm của Trung Quốc nhìn từ luật pháp quốc tế; Quan điểm của Việt Nam và dư luận thế giới trước tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.
 
Nội dung sách được tổ chức dưới hình thức vấn đáp, gồm các vấn đề, các câu hỏi và câu trả lời tương ứng từng bước bóc tách và làm sáng tỏ hơn lộ trình hiện thực hóa tham vọng biển của Trung Quốc và đi sâu lý giải tận cùng giấc mộng Trung Hoa trong giới cầm quyền Trung Quốc.
 
Ngoài ra, cuốn sách còn có phần Phụ lục đưa đến những hình ảnh chân thực nhất về thực trạng tạo lập đảo nhân tạo trên các rạn san hô và đá của Trung Quốc, những bản đồ mang tính pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng một số hình ảnh minh  họa sinh động về phong cảnh và cuộc sống của quân và dân trên đảo.
 
Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan 981 nằm sâu trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 7/2014 đã trở thành một sự kiện nóng thu hút sự quan tâm của Thế giới, làm dấy lên những làn sóng dư luận phản đối mạnh mẽ cả ở trong và ngoài nước. Nó bộc lộ một nấc thang mới trong việc áp đặt mang tính nước lớn của Trung Quốc đối với Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi  ích chính đáng trên biển, hải đảo không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác trong khu vực.
 
Chưa kịp lắng xuống sau sự kiện này, dư luận quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có liên quan lại dấy lên sự quan ngại sâu sắc, dường như còn nghiêm trọng hơn nhiều, đó là việc Trung Quốc tiến hành xây dựng một cách trái phép các đảo đá nhân tạo bằng cách hủy hoại các rạn san hô tại bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các đảo nhân tạo có diện tích bề nổi lớn gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với trạng thái trước kia.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc