(VnMedia) - Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, mặt cắt ngang đường rộng 26 m...
>> Thông xe trước 25km cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
>> Thông xe dự án mở rộng quốc lộ 1 sớm 6 tháng
Được khởi công từ tháng 5/2013, với tổng mức đầu tư toàn tuyến khoảng 1.480 tỷ đồng, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối vận chuyển quốc tế qua hành lang Đông Tây, có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền Trung nói riêng và đất nước nói chung, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Theo đánh giá, đến nay sau 2 năm được khởi công xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã có nhiều cố gắng để hoàn thành 87% công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vật liệu phục vụ thi công dự án vẫn còn một số vướng mắc cần phải giải quyết dứt điểm.
Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu các Bộ, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao để bảo đảm chất lượng, hoàn thành Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong năm 2018.
Theo đó, để đạt được mục tiêu trên và bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cần khẩn trương thực hiện giải quyết những khó khăn vướng mắc của dự án.
Năm 2018, cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi sẽ được hoàn thành và thông xe. |
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng còn thiếu của dự án từ nguồn hoãn thu hồi ứng trước trong kế hoạch vốn đối ứng nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải.
UBND các tỉnh, thành phố tập trung xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng; đặc biệt tại các gói thầu do nhà thầu nước ngoài thực hiện, không để phát sinh nghĩa vụ pháp lý và tài chính; giải quyết triệt để việc bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo đúng quy định.
Các tỉnh, thành phố liên quan khẩn trương xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng của dự án; hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30/9/2015. Riêng việc di dời khu di tích Triền Tranh và các công trình công cộng hoàn thành trước ngày 30/8/2015.
Kiểm soát chất lượng trong suốt quá trình thi công
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Trung (A3), Công ty truyền tải điện 2, Công ty lưới điện cao thế miền Trung phối hợp chặt chẽ với VEC và các đơn vị thi công lập phương án cắt điện để đấu nối đường dây mới, bảo đảm di dời đường điện cao thế đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cần rút kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị dự án, đặc biệt là việc chuẩn bị vật liệu xây dựng. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác các mỏ đất sử dụng làm vật liệu đắp nền đường, phục vụ thi công Dự án.
Bộ Giao thông vận tải chú trọng đặc biệt việc bảo đảm chất lượng công trình dự án này; phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung chỉ đạo VEC và các nhà thầu tăng cường kiểm soát chất lượng trong suốt quá trình thi công, ngay từ khâu đầu đến khâu cuối; cụ thể, phải bảo đảm chất lượng vật liệu xây dựng, tuân thủ quy trình thi công, giám sát thi công.
Trên cơ sở đánh giá của tư vấn giám sát, VEC yêu cầu các nhà thầu khẩn trương nghiêm túc khắc phục. Bên cạnh đó, VEC chỉ đạo các nhà thầu lập ngay phương án chống lũ cho công trình trong mùa mưa lũ, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt để thực hiện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, VEC chỉ đạo các nhà thầu nỗ lực thi công, bảo đảm tiến độ dự án. Lưu ý, trong hai tháng tới (trước mùa mưa), phải phân bổ lực lượng và có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đối với các gói thầu chậm để bảo đảm tính đồng bộ của dự án.
Ý kiến bạn đọc