(VnMedia) - UBND TP.Hà Nội cho biết đã đề nghị Chính phủ, các bộ nghiên cứu ban hành mẫu tem dán vào phương tiện xe mô tô đã nộp phí sử dụng đường bộ để thuận lợi trong công tác quản lý...
>> Thu “thuế đường” không đạt, 4 quận huyện phải kiểm điểm
>> Hộ nghèo ở Thủ đô được miễn “thuế đường” xe máy
>> 46 tỉnh đã thu “thuế đường” với xe máy
UBND Hà Nội vừa trả lời chất vấn của một số thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố về kết quả thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô trong thời gian qua. Những khó khăn, vướng mắc và biện pháp khắc phục.
Theo đó, Hà Nội bắt đầu thu phí sử dụng đường bộ từ 1/1/2013, với mức thu với mô tô, xe máy dưới 100cm3 là 50.000 đồng và trên 100cm3 là 100.000 đồng.
Năm 2013, toàn thành phố thu được 55 tỷ đồng. Đến năm 2014, mặc dù trên cơ sở báo cáo của Công an thành phố về số lượng xe đăng ký trên địa bàn, UBND TP đã giao chỉ tiêu thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy cho từng quận, huyện, thị xã nhưng kết quả cả năm cũng chỉ được 36 tỷ đồng (bằng 13,28% kế hoạch giao).
Đầu năm 2015, thực hiện thông tư của Bộ Tài chính và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tháng 12/2014, các xã, thị trấn được để lại toàn bộ số thu phí mô tô, xe máy sau khi hoàn thành tỉ lệ nộp ngân sách để đầu tư cho giao thông nông thôn, mức thu cũng chỉ đạt gần 3 tỷ đồng.
Theo UBND TP Hà Nội, việc đầu tư xây dựng mới cũng như quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, chủ trương của Chính phủ trong việc huy động các nguồn lực khác trong xã hội mà phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là một trong số đó, là một chủ trương đúng đắn, việc thu phí sử dụng đối với xe ô tô, mô tô tham gia giao thông là cần thiết.
Tuy nhiên, kết quả thu phí sử dụng đường bộ tính theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trong hai năm 2013, 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 vừa qua đạt kết quả chưa cao là do công tác thống kê số liệu mô tô, xe máy thực hoạt động trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, số lượng thực tế lưu hành có nhiều biến động so với số đã đăng ký.
Trước việc thu phí Bảo trì đường bộ với xe máy theo đầu phương tiện thấp, UBND TP Hà Nội vừa đề xuất dán tem những xe đã nộp để xử phạt những chủ phương tiện chây ỳ nộp thuế. Ảnh: Vạn Xuân |
Việc triển khai công tác thu của một số quận, huyện, thị xã chưa thực sự tích cực, chưa có giải pháp triệt để để khắc phục tình trạng thu đạt tỷ lệ thấp. Hơn nữa, do hiện nay chưa có chế tài cụ thể đối với các trường hợp cố tình chây ỳ không đóng phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện…
Theo UBND TP.Hà Nội, hiện nay, hành vi không nộp phí sử dụng đường bộ theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo thông tư của Bộ Tài chính từ 1 đến 3 lần số phí phải nộp. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về lực lượng kiểm tra, xử phạt, quản lý sử dụng tiền phạt và các vấn đề liên quan.
“UBND TP đề nghị Chính phủ, các bộ nghiên cứu ban hành mẫu tem dán vào phương tiện xe mô tô, xe máy đã nộp phí sử dụng đường bộ để thuận lợi trong công tác quản lý; đồng thời bổ sung các chế tài xử phạt các trường hợp không đóng phí”, UBND TP.Hà Nội đề xuất.
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Hà Nội sáng 6/7, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, có nhiều ý kiến phản ánh bất cập trong thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.
“Thứ nhất phương thức thu, hiện nay giao cho thôn, tổ dân phố thu nên rất khó khăn; thứ hai là kiểm tra, không ai kiểm tra việc này như thế nào cho nên người nộp người không; thứ ba là xử phạt, trong quy định có nói xử phạt tăng đến 3 lần tuy nhiên thẩm quyền xử phạt đấy giao cho ai, như thế nào thì chưa rõ”, bà Ngọc thông tin.
Theo người đứng đầu HĐND thành phố, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy và triển khai thu rất nghiêm túc.
“Thẩm quyền cho thu như thế nào là của Chính phủ, còn mức thu thế nào thì là của HĐND thành phố. Nhưng nếu Chính phủ bỏ thu phí đối với xe máy thì HĐND Hà Nội, cử tri Hà Nội rất ủng hộ”, Chủ tịch HĐND Hà Nội nêu quan điểm.
Ý kiến bạn đọc