(VnMedia) - Ngành giáo dục Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có tiêu chí cụ thể hơn trong việc bình chọn học sinh để khen thưởng và thống nhất trong cách ghi khen thưởng cho học sinh…
>>Nhận xét học sinh tiểu học: sợ chỉ hình thức!
Thời gian qua, dư luận đã hết sức băn khoăn về việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Theo đó, kết quả học tập của học sinh tiểu học sẽ được thay đổi toàn diện về việc dùng điểm số, xếp loại để đánh giá học sinh.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, sau 1 năm học áp dụng Thông tư 30, việc đánh giá học sinh còn gặp phải rất nhiều tồn tại.
Theo đó, khi thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30, giáo viên chưa thực sự linh hoạt, lời nhận xét đôi khi quá ngắn, chưa rõ ý, đôi khi lại quá dài dòng, lủng củng, chưa chỉ rõ cụ thể những ưu, nhược điểm và hướng khắc phục giúp học sinh hoàn thiện bản thân. Một số giáo viên ghi lời nhận xét giữa các tháng thiếu sự logic và liền mạch.
Cùng với đó, trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên thường chỉ chú trọng đến nhận xét học sinh về hai môn Toán, Tiếng Việt mà chưa chú ý đến các môn học và các hoạt động giáo dục khác. Một số giáo viên còn nhầm lẫn khi nhận xét học sinh ở mục năng lực và phẩm chất, giữa nhận xét thường xuyên, hằng ngày và nhận xét tháng.
Việc đánh giá học sinh bằng nhận xét giáo viên mất nhiều thời gian, vì vậy có hiện tượng giáo viên tập trung ghi nhận xét nên thời lượng nghiên cứu tài liệu, giảng bài, sát sao kèm học sinh trên lớp bị hạn chế, đặc biệt là ở thời điểm cuối học kỳ, cuối năm học khi phải hoàn thiện nhiều sổ sách.
Đặc biệt, mỗi giáo viên bộ môn chuyên biệt (giáo viên dạy các môn nhạc, họa, ngoại ngữ…) phải dạy khá nhiều lớp, khoảng từ 300 đến 700 học sinh hoặc thậm chí đến hơn 1000 học sinh, nên phải ghi quá nhiều sổ. Mặc dù không cần ghi nhận xét của tất cả các học sinh thì trung bình một tháng giáo viên cũng phải ghi nhận xét cho khoảng 300-400 em.
Việc ghi nhận xét cho học sinh chiếm quá nhiều thời gian, đặc biệt là giai đoạn cuối học kỳ, cuối năm, các giáo viên chuyên biệt vừa phải ghi nhận xét tháng, vừa phải ghi nhận xét kỳ, cuối năm để nộp cho giáo viên chủ nhiệm nên nhiều giáo viên chuyên biệt ghi nhận xét trong học bạ rất chung chung, hoặc chậm hoàn thành hồ sơ sổ sách theo quy định.
Về phía học sinh, khi được đánh giá theo thông tư 30, học sinh không còn bị áp lực về điểm số, không khí lớp thân thiện, hòa đồng. Tuy nhiên học sinh không còn sự thi đua và quyết tâm, cố gắng học tập như trước.
|
Trong khi giáo viên quá vất vả và khó khăn trong việc viết nhận xét học sinh thì hình thức và cách ghi khen thưởng cũng khiến các trường lúng túng, mỗi nơi một kiểu |
Về phía phụ huynh, ở khối 1, học sinh đang học đánh vần, không đọc được nhận xét của giáo viên trong khi không phải phụ huynh nào cũng quan tâm kiểm tra vở của con hàng ngày. Còn nhận xét bằng lời thì không phải em nào cũng nhớ để về nói lại với cha mẹ.
Ngoài ra, tại các trường tiểu học, đa số vở được giáo viên yêu cầu học sinh để lại lớp để giữ gìn tránh nhàu nát và bớt trọng lượng, vì vậy phụ huynh không thường xuyên cập nhật được thông tin ngược từ giáo viên về quá trình học tập của con em mình. Sự tham gia của cha mẹ học sinh vào việc đánh giá cũng còn hạn chế.
Cuối năm học, việc xét thưởng, bình bầu khen thưởng cũng mất khá nhiều thời gian, học sinh khi bình chọn bạn thường do cảm tính và còn dẫn đến tình trạng bới móc nhau. Việc xét khen thưởng do hiệu trưởng quyết định nên tỉ lệ % học sinh được khen thưởng không đồng đều giữa các trường. Điều này dễ gây thắc mắc cho phụ huynh và còn gây hoang mang cho học sinh.
Trước những tồn tại trên, ngành giáo dục Hà Nội đã đề gia một số giải pháp để khắc phục. Trong đó đặc biệt kiến nghị Bộ Giáo dục điều chỉnh để đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ như: công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; điều lệ trường tiểu học; kiểm định chất lượng giáo dục; chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học…, đảm bảo thống nhất với Thông tư 30; nghiên cứu cải tiến sổ sách để giảm gánh nặng cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên chuyên biệt.
Ngành giáo dục Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có tiêu chí cụ thể hơn trong việc bình chọn học sinh để khen thưởng và thống nhất trong cách ghi khen thưởng cho học sinh.
Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học của Bộ giáo dục và đào tạo. Theo đó, kết quả học tập của học sinh tiểu học sẽ được thay đổi toàn diện về việc dùng điểm số, xếp loại để đánh giá học sinh. Thông tư 30 được ban hành vào ngày 28 tháng 08 năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2014.
Ý kiến bạn đọc