(VnMedia) - Mặc dù đã hoàn thành nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất một cách hợp pháp, nhưng một hộ dân ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) lại không thể vào thửa đất của mình để sử dụng. Hơn 2 năm với 25 lá đơn, cơ quan chức năng dường như vẫn làm ngơ…
* Sai phạm đất đai có hệ thống, Hoài Đức làm ngơ
* Cán bộ xã hành dân: Vì đâu nên nỗi?
* Hà Nội: Dân bán đất, xã “đòi” hoa hồng 10 triệu
Chiếm ngõ chung, bịt kín lối vào nhà hàng xóm
Theo đơn kêu cứu gửi tới Báo điện tử VnMedia, ông Nguyễn Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết, đầu tháng 5 năm 2013, ông làm đầy đủ các thủ tục theo quy định của Nhà nước và được UBND huyện Hoài Đức xác nhận là người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa số 14, bản đồ năm 1998 với diện tích 120,67 m2 tại thôn Chùa Ngụ, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, ngay sát cổng UBND xã Đắc Sở. Trích lục thửa đất theo biên bản đo đạc hiện trạng ngày 7/11/2012 thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất nêu trên nêu rõ: Đường đi vào thửa đất rộng 2,0 mét.
Bức tường cao gần 2 mét bịt kín lối vào mảnh đất nhà ông Nguyễn Hoàng |
Ngay sau đó, ngày 21/5/2013, ông Hoàng làm đơn xin xây dựng nhà cấp 4 tại thửa đất nói trên và được UBND xã Đắc Sở chấp thuận. Tuy nhiên, khi ông Hoàng chuẩn bị việc xây dựng vào trung tuần tháng 6/2013 thì 3 gia đình phía trong, gồm gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Hạ và Nguyễn Văn Hiệp cản trở không cho phía ông Hoàng tiến hành xây dựng. Chưa dừng lại ở đó, đến 29/6/2013, gia đình ông Hòa, ông Hạ, ông Hiệp đã tiến hành xây tường rào cao gần 2 mét kéo dài từ đường chính của thôn vào thẳng nhà mình, lấy ngõ chung làm ngõ riêng nên bịt kín lối vào thửa đất nhà ông Hoàng.
Theo lý giải của các ông Hòa, ông Hạ, ông Hiệp tại Biên bản hòa giải ngày 24/7/2013, ngõ đi này là ngõ đi riêng của cha ông các ông này để lại nên không thể sử dụng làm ngõ đi chung. Tuy nhiên, khi ông Hoàng đưa ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 14 nêu trên với trích lục thể hiện ngõ đi vào thửa đất rộng 2 mét thì cả 3 gia đình trên đều không thừa nhận và không ký vào Biên bản.
Chiếc cổng sắt kiên cố nằm ngay gần cổng UBND xã |
Cực chẳng đã, ông Hoàng cầu cứu tới chính quyền địa phương. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, bất chấp việc ông Hoàng có 25 lá đơn gửi lãnh đạo UBND xã Đắc Sở và lãnh đạo UBND huyện cùng các phòng ban chức năng trình bày sự việc, bức tường cùng chiếc cổng chắn lối vào thửa đất nhà ông Hoàng vẫn sừng sững như thách thức pháp luật…
“Quan xã” thờ ơ, bất lực hay bao che ?
“Tôi đến xã thì xã bảo là việc này khó lắm, chưa làm được, nhưng tôi hỏi bao giờ giải quyết được thì xã không trả lời. Tôi cũng gửi đơn và nhiều lần trực tiếp lên bộ phận tiếp dân tại huyện nhưng được trả lời là việc xử lý thuộc thẩm quyền UBND xã, và giờ tôi chẳng biết trông chờ vào đâu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình” – ông Nguyễn Hoàng bức xúc khi trao đổi với VnMedia.
Trích lục bản đồ đã thể hiện đường đi chung rộng 2 mét |
Để làm rõ thực hư câu chuyện, đầu tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Đắc Sở và bà Hường xác nhận, việc gia đình ông Nguyễn Hoàng không thể vào thửa đất số 14 tại thôn Chùa Ngụ, xã Đắc Sở là có thật, đồng thời trách nhiệm chính trong việc giải quyết vụ việc này thuộc UBND xã.
Tuy nhiên, chúng tôi khá bất ngờ trước lý giải của người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương xung quanh vụ việc. “Theo pháp luật thì đây đúng là ngõ đi chung nhưng qua tham khảo cán bộ chuyên môn và một số người cao tuổi thì ngõ đi này trước đây là ngõ đi riêng nên chúng tôi đề cao sự hòa giải” - bà Hường nói.
Cũng theo bà Hường, từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, xã đã tổ chức 3 lần ‘hòa giải’ và cả 3 lần, gia đình các ông Hòa, Hạ, Hiệp đều khẳng định đây là lối đi riêng của họ nên hòa giải bất thành.
“Với xã chúng tôi cũng chuẩn bị tinh thần nếu không hòa giải được thì lập biên bản và tiến hành cưỡng chế, xử lý theo quy trình của pháp luật về vi phạm lấn chiếm đất công. Chúng tôi dự kiến giải quyết vụ việc nhưng vì công tác chuẩn bị đại hội Đảng, huyện giao cho xã tập trung xây dựng nông thôn mới nên việc giải quyết này chưa đảm bảo thời gian”- bà Hường phân trần.
Hàng chục lá đơn kêu cứu của ông Nguyễn Hoàng tới các cơ quan chức năng |
Tuy nhiên, trước hàng loạt câu hỏi của phóng viên về việc UBND xã Đắc Sở làm việc theo quy định và văn bản giấy tờ pháp luật hay nguyên tắc nào khác ? Vì sao UBND xã lại chỉ ‘chuẩn bị tinh thần’ suốt từ năm 2013 đến nay mà không tiến hành các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật sau các lần hòa giải không thành? Trường hợp có người đến gia đình bà nói đây là đất lâu đời của cha ông họ và yêu cầu phải trả lại đất cho họ, dù gia đình bà đang có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách hợp pháp thì cá nhân bà sẽ xử lý thế nào?, bà Hường đều im lặng.
Dư luận hiện đang rất quan tâm và đặt câu hỏi, có hay không việc UBND xã Đắc Sở bao che cho các gia đình vi phạm bởi người nhà của các hộ này cũng là cán bộ xã ? Phải chăng UBND xã Đắc Sở bất lực dù có trong tay đầy đủ bộ máy thực thi pháp luật ? Vì sao UBND xã Đắc Sở lại làm ngơ với sự việc đã rõ ràng, người dân đã kiến nghị hàng chục lần bằng văn bản, địa điểm xảy ra vi phạm ngay trước cổng UBND xã, nơi các cán bộ lãnh đạo xã thường xuyên ra vào hàng ngày ?…
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật các diễn biến liên quan tới vụ việc.
Ý kiến bạn đọc