Bộ Công Thương: Chợ Cồn Đà Nẵng không thuộc diện xây lại

09:40, 16/07/2015
|

(VnMedia) - Trong khi Thành phố Đà Nẵng quyết tâm muốn phá chợ Cồn để xây trung tâm thương mại thì bản quy hoạch chợ của Bộ Công Thương chỉ rõ, chợ Cồn thuộc diện chợ hạng I không di dời, cải tạo…

>> Sắp phá chợ truyền thống lớn nhất Đà Nẵng
>> Phá chợ xây siêu thị là "phú quý giật lùi"!?
>> Phải có mặc cả, trả giá mới là… chợ!
>> 90 tuổi, chống gậy trắng đêm "giữ" chợ
>> Chợ cóc tấp nập "trêu ngươi" siêu thị hiện đại
>> Hà Nội dừng phá chợ xây trung tâm thương mại
 
Theo bản Quy hoạch, danh mục chợ hạng I hiện có cần giữ nguyên trong quy hoạch tại Đà Nẵng bao gồm Chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ siêu thị Nguyễn Kim và chợ Hòa Khánh.
 
Địa phương “hàng xóm” của Đà Nẵng là Quảng Nam được yêu cầu giữ nguyên chợ Tam Kỳ. Còn với Thừa Thiên Huế, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên chợ Tây Lộc (thành phố Huế) và chợ Hội (thị xã Cẩm Xuyên).
 
Tại Hà Nội, danh sách loại chợ này bao gồm chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Bưởi, chợ Hà Đông, chợ Nghệ và chợ thị trấn Vân Đình,
 
Thành phố Hồ Chí Minh có duy nhất chợ Bến Thành thuộc danh mục giữ gìn, bảo tồn.
 
Trong khi đó, bảng danh mục các chợ hạng I cần xóa bỏ, di dời không có tên bất kỳ một chợ nào của các thành phố lớn nói trên. Tuy nhiên, 7 địa phương được yêu cầu di dời, xóa bỏ một số chợ hạng I bao gồm: Thái Bình (chợ thị trấn Hưng Hà); Bình Định (chợ Diêu Trì, chợ Bình Đình); Lâm Đồng (chợ Bảo Lộc); Bình Dương (chợ Lái Thiêu); Cần Thơ (chợ Vĩnh Thạnh) và Sóc Trăng (chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng).
 
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng lên danh sách những chợ hạng I hiện có được tồn tại trong quy hoạch nhưng cần cải tạo, nâng cấp.
 
Theo đó, Hà Nội có chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chợ Vồi (huyện Thường Tín) và chợ Nành (huyện Gia Lâm).
 
Tại Đà Nẵng, chợ Hàn và chợ Mới nằm trong danh sách cần cải tạo, nâng cấp.
 
Tại Quảng Nam, chợ Hội An sẽ được cải tạo nâng cấp.
 
Tại Thừa Thiên Huế, chợ nổi tiếng Đông Ba và chợ An Cựu cũng nằm trong diện cần cải tạo, nâng cấp.
 
Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh có tới 13 chợ nằm trong danh sách cần cải tạo, nâng cấp, đó là các chợ: Dân Sinh, Thái Bình, Hòa Bình, An Đông, Kim Biên, Đồng Khánh, Bình Tây, Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, Tân Bình, Hoàng Hoa Thám và chợ Bàu Cát.
 
Trong danh sách các địa phương cần xây mới chợ hạng I, cả ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh không được đề xuất thêm chợ nào.

Ảnh minh họa

Chợ Cồn còn là nơi người dân Thành phố thưởng thức những món ăn dân dã với giá cả phải chăng, điều mà họ không thể tìm thấy trong các siêu thị hay trung tâm thương mại


 
Liên quan đến việc cải tạo, nâng cấp chợ, mới đây thành phố Đà Nẵng có chủ trương sẽ phá dỡ chợ Cồn - chợ dân sinh lớn nhất và lâu đời nhất tại Đà Nẵng, để xây dựng trung tâm thương mại. Chủ trương này hiện nhận được sự đồng tình của một số hộ dân sống gần khu vực chợ, nhưng không nhận được sự đồng ý của các hộ kinh doanh và nhiều người dân Thành phố.
 
Với tiểu thương, điều mà họ lo lắng nhất, đó là nếu xây lại chợ thành trung tâm thương mại “hoành tráng” sẽ khó buôn bán, mất khách vì không phù hợp với tập quán cũng như khả năng mua sắm của người dân Thành phố và du khách.

Còn với người dân, chợ Cồn là nơi dễ mua những mặt hàng bình dân với giá cả phải chăng; cách thức mua bán cũng phù hợp với nhu cầu và thói quen của họ.
 
Trong khi đó, du khách cho biết thích mua sắm hay thưởng thức các món ẩm thực dân dã ở chợ Cồn vì mặt hàng đa dạng, giá cả hợp lý. Phong cách phục vụ mang đặc tính thân thiện của người Đà Nẵng cũng là một trong những đặc điểm thu hút khách du lịch, điều mà họ không thể tìm được nếu mua sắm trong các siêu thị hoặc trung tâm thương mại.

Một điều đáng chú ý, đó là Đà Nẵng dự kiến phá dỡ chợ Cồn ngay trong tháng 7, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, các tiểu thương ở chợ Cồn đều cho biết, họ không hề được thông báo, bàn bạc hay xin ý kiến... về việc cải tạo, xây mới chợ Cồn. Trong khi đó, với hơn 100 năm tồn tại, chợ Cồn là nơi nhiều gia đình đã kinh doanh qua nhiều thế hệ,


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc