(VnMedia) - Hơn 20 năm nay, tại khu tập thể Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) đang tồn tại một ngôi nhà bỏ hoang bịt kín lối đi của hàng trăm hộ dân. Một số người dân cho biết, họ đã đeo đuổi vụ việc qua 5 đời chủ tịch nhưng đến nay ngôi nhà hoang vẫn chưa được phá bỏ.
>> Hàng loạt cao ốc triệu đô bỏ hoang giữa Thủ đô
Ngõ 28C và 28D phường Phương Mai nối với nhau bằng một con đường nhỏ chạy quanh. Từ nhiều năm nay, một căn nhà mái bằng rộng khoảng 18m2 đã bịt kín lối đi của các hộ dân ở khu tập thể D3, D4, D6 và ngăn cách giữa UBND và trạm y tế phường.
Do bị ngôi nhà hoang chắn lối đi cho nên nhiều người dân đang sinh sống trong 2 khu tập thể tại ngõ 28C và 28D rất bức xúc vì phải đi vòng 200m ra phố Lương Định Của sang UBND và trạm y tế phường.
Không chỉ chắn lối đi chung, căn nhà này còn nằm giữa trạm y tế và UBND phường Phương Mai cho nên mỗi khi có việc ra phường giải quyết hoặc đưa con, cháu sang trạm y tế tiêm phòng, các hộ dân ở đây đều phải đi vòng 200m ra đường Lương Định Của để sang.
Ngôi nhà hoang bịt lối đi của người dân khu tập thể D3, D4, D6 Phương Mai nhìn từ trên cao. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Tuy nhiên, đó không phải là nỗi lo lắng nhất của người dân sống trong các khu tập thể trên. Theo các hộ dân ở đây, do tuyến đường chạy quanh các dãy nhà tập thể bị bịt kín cho nên các hộ dân ở đây lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nếu không may có hỏa hoạn xảy ra, căn nhà hoang trên sẽ chắn mất lối đi của xe cứu hỏa vào chữa cháy.
Theo tìm hiểu, căn nhà hoang đang tồn tại trước đây thuộc khu đất của Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý và sử dụng.
Vào khoảng cuối năm 1980, để phục vụ xây dựng khu nhà tập thể D6, Công ty Xây lắp và vật tư xây dựng 5 (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp 5) có đơn mượn Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch khu đất để xây dựng nhà tạm làm kho chứa vật liệu xây dựng, phục vụ thi công.
Đến năm 1993, công trình nhà D6 hoàn thành nhưngcông ty mượn đất không tự tháo dỡ cũng như không bàn giao lại căn nhà cho Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch. Từ đó đến nay, căn nhà khóa cửa quanh năm. Hiện tường đã mọc rêu, cửa sổ và cửa chính đều đã bị hư hỏng.
Mặt trước của ngôi nhà bỏ hoang với các khung cửa đều đã bị hỏng. |
Xin làm chủ tịch 15 ngày để phá bỏ nhà hoang
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Quốc Kỳ, nhà 103, khu tập thể D6 cho biết, trước những lo lắng của người dân sống trong khu vực, nhiều năm nay ông và nhiều cán bộ lão thành đã theo đuổi vụ việc này đến 5 đời chủ tịch phường nhưng vẫn không được giải quyết.
Theo ông lão 70 tuổi này, ngõ 28C có 4 dãy nhà D3, D4, D5, D6. Mỗi dãy từ 50-70 hộ. Ngõ 28D cũng có 4 khu D2A, D2B, D2C. Như vậy mỗi năm có hàng trăm người dân bị căn nhà hoang trên cản trở lối đi lại.
“Chỉ một ngôi nhà bỏ hoang mà hàng chục năm nay không phá nổi. Mới đây tôi đã có đơn ra phường xin làm chủ tịch 15 ngày sẽ giải quyết xong ngôi nhà hoang đó theo đúng pháp luật quy định để giải quyết con đường đi cho dân sau là đường cứu hỏa cho khu tập thể D3”, ông Kỳ cho biết.
Theo một số hộ dân đang sinh sống trong khu tập thể D6, các tổ dân phố sống trên hai ngõ 28C và 28D đã nhiêu lần họp và có đơn đề nghị UBND phường cho phá bỏ căn nhà hoang để lấy lối đi lại cho người dân. Đại diện lãnh đạo phường cũng đã hứa nhiều lần nhưng không thấy thực hiện.
Mặt sau của ngôi nhà bỏ hoang cỏ mọc um tùm. |
Sẽ chỉ đạo UBND phường xử lý dứt điểm
Liên quan đến vấn đề này, mới đây trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp HĐND sắp diễn ra, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2003, trước kiến nghị của người dân về việc căn nhà chặn lối đi vào nhà D3, D4, D6, UBND phường Phương Mai đã nhiều lần có văn bản gửi Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp 5 đề nghị dỡ bỏ để tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân khu vực.
Lãnh đạo UBND phường Phương Mai cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp mời Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp 5 cùng các đoàn thể và khu dân cư bàn hướng giải quyết, nhưng lãnh đạo công ty không đến dự.
Theo UBND TP Hà Nội, quá trình điều tra xác định, ngôi nhà hoang nói trên là công trình tạm được xây dựng để phục vụ thi công xây dựng khu tập thể D6. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc xây dựng, chủ đầu tư và nhà thầu phải tháo dỡ xong toàn bộ nhà tạm, chuyển hết vật liệu, cấu kiện thừa, phế thải xây dựng đến nơi quy định.
“UBND Thành phố sẽ giao quận Đống Đa chỉ đạo UBND phường Phương Mai phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của quận và Đội Thanh tra Xây dựng quận lập hồ sơ và xử lý dứt điểm công trình xây dựng tạm nêu trên theo trình tự, thẩm quyền”, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết.
Ý kiến bạn đọc