Tranh luận "nảy lửa" về Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự

16:16, 15/06/2015
|

(VnMedia) - Hai quan điểm trái ngược hoàn toàn được các Đại biểu Quốc hội nêu ra khi góp ý cho quy định “tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, vì lý do chưa có điều luật để áp dụng" của Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự.  

Sáng nay (15/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).  Quy định “tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” tại Khoản 2, Điều 4 được nhiều đại biểu quan tâm và có ý kiến trái chiều.
 
Quy định vô nghĩa?
 
Theo đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), không nên quy định “tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” vào Dự thảo lần này, bởi không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.
 
“Quy định tại Khoản 2, Điều 103 Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, tức là khi xem xét vụ việc, tòa án phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để mà giải quyết, nếu bảo tùy theo điều kiện như là căn cứ vào án lệ, phong tục tập quán, vận dụng các nguyên tắc tương tự hoặc lẽ công bằng để giải quyết, tôi thấy quy định không bảo đảm về mặt pháp lý.” – đại biểu tỉnh Khánh Hòa nêu ý kiến và đề nghị không nên bổ sung vào Luật.
 
Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, quy định này “không phù hợp, thiếu tính khả thi”. Đại biểu này cho rằng, trong đời sống hàng ngày nảy sinh rất nhiều mối quan hệ xã hội trong cộng đồng, xã hội, dân cư mà chưa được pháp luật quy định nhưng lại đang được giải quyết một cách triệt để, ổn thỏa, xã hội ổn định mà không cần đến sự can thiệp của tòa án. 
 
“Khi cho phép bất kỳ việc kiện dân sự nào cũng đưa đến tòa án để giải quyết không những không giải quyết được mà còn làm cho xã hội có thể bất ổn hơn.” – đại biểu tỉnh Thái Bình nói và e ngại rằng, khi đã có quy định này thì số vụ việc người dân gửi đến tòa án sẽ tăng đột biến.
 
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phân tích: Nếu quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng thì Bộ luật tố tụng dân sự cần phải quy định rõ vụ việc này sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án nào.
 
“Đối chiếu với các quy định của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự, tôi thấy không đáp ứng được yêu cầu này. Những yêu cầu việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án tại các Điều 28, 30, 32, 34 lại liệt kê những vụ việc mà tòa án được quyền giải quyết và đều chốt một câu là những việc khác theo quy định của pháp luật. Như vậy có những việc dân sự nếu pháp luật không quy định thì  sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của bất kỳ tòa án nào theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Như vậy dù có quy định Khoản 2, Điều 4 như dự thảo thì cũng vô nghĩa, vì không thuộc thẩm quyền của bất kỳ tòa án nào.”- đại biểu tỉnh Quảng Bình nói.

Ảnh minh họa

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình)



Quy định tiến bộ, cần thiết

Trái với các quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một quy định tiến bộ cần được áp dụng.

Theo đó, Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) nhận xét, quy định "Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng" là một nguyên tắc tiến bộ trong pháp luật tố tụng dân sự, nhằm đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân.

“Để nguyên tắc này được khả thi, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát các quy định trong tố tụng dân sự để quy định và trình tự thủ tục giải quyết các vụ việc này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tòa án giải quyết các vụ việc.” – đại biểu Giàng Thị Bình nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hoá) cũng cho rằng, quy định như dự thảo là cần thiết nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp và triển khai thi hành một cách triệt để quy định tại Khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 đã quy định.
 
Theo đó, Tòa án nhân dân có quyền bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản của nhà nước, bảo vệ quyền; lợi ích hợp pháp của cơ quan; tổ chức và cá nhân. Khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu thì tòa án giải quyết vụ việc dân sự thì nhiệm vụ của tòa án là phải thụ lý, giải quyết để kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp của họ, nếu như tòa án từ chối giải quyết vì chưa có điều luật áp dụng trong khi những vụ việc đó lại không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, các nhân không được pháp luật bảo vệ.
 
“Theo kinh nghiệm của các luật pháp một số nước trên thế giới thuộc hệ thống pháp luật án lệ, xem án lệ là nguồn của luật thì đều đã quy định về vấn đề này. Còn ở nước ta, tuy nhiên án lệ chưa phải là nguồn luật chính thức, nhưng hiện tại chúng ta cũng bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng, công nhận án lệ và áp dụng án lệ. Cụ thể tại Điều 21 dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định: Áp dụng án lệ dân sự trong xét xử, dự thảo Bộ luật dân sự quy đinh áp dụng tập quán tại Điều 5 và áp dụng tương tự pháp luật tại Điều 6, vì vậy dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng là hoàn toàn có cơ sở và khả thi đáp ứng được yêu cầu chung của công dân, cơ quan, tổ chức.” – đại biểu tỉnh Thanh Hóa phân tích.
 
Còn đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) nhận xét, quy định như vậy là cần thiết và bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp. “Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì đối với những tranh chấp dân sự mà luật không quy định thuộc  thẩm quyền giải quyết riêng biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giải quyết thì tòa án phải giải quyết.” – đại biểu nói.
 
Cũng ủng hộ quy định này, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhấn mạnh, việc đề ra nguyên tắc này chính là Quốc hội đã giao cho các thẩm phán một nhiệm vụ rất khó khăn đòi hỏi cao về năng lực và bản lĩnh của thẩm phán. Song, đó là một đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, là nguyện vọng hợp lý, chính đáng của người dân.
 
“Đây là một quy định nhằm khắc phục một bất cập rất lớn trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay. Quy định như trên đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới và tinh thần cải cách tư pháp triệt để thể hiện trách nhiệm của nhà nước trước công dân trong việc giải quyết vấn đề cuộc sống đặt ra.” – đại biểu tỉnh Bình Phước nói và nhấn mạnh thêm: “với tinh thần trên sẽ không cho phép chúng ta thấy khó mà không làm.”


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc