Quốc hội thông qua 4 Luật với nhiều điểm mới quan trọng

07:10, 20/06/2015
|

(VnMedia) - Ngày 19/6, Quốc hội đã thông qua 4 dự án luật là Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và luật Thú y, với nhiều điểm mới quan trọng.

Chiều 19/6, với 433/433 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, ngày 21/5/2015, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Cơ bản tán thành với Báo cáo trên, với 433/433 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 87.65% tổng số đại biểu Quốc hội, số đại biểu không tán thành và số đại biểu không biểu quyết là 0, Quốc hội đã thông qua toàn bộ dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) gồm 9 Chương và 62 Điều.

Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định: Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự là công dân nam đủ 17 tuổi trở lên; công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân và từ đủ 18 tuổi trở lên.

Các đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự gồm người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu mà vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Ảnh minh họa

Ngày 19/6, Quốc hội đã thông qua 4 luật với nhiều điểm mới quan trọng


Trước đó, sáng cùng ngày, với trên 83% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Theo đó, Luật bổ sung 2 thẩm quyền cho Thủ tướng, đó là: t rong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, quyết định giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Về số Thứ trưởng, Luật quy định mỗi Bộ không có quá 5 thứ trưởng, còn các Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao mỗi bộ không có quá 6 thứ trưởng.

Còn với hơn 89,27% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương, trong đó Điều 4 của Luật quy định, cấp Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Điều này có nghĩa là HĐND cấp phường vẫn được giữ.

Trước khi biểu quyết thông qua, các đại biểu Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 95 đại biểu lên 105 đại biểu để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này (Điều 39).

Về cơ cấu tổ chức của UBND, nhiều ý kiến tán thành với quy định về cơ cấu tổ chức của UBND như trong dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục quy định thành phần của UBND các cấp gồm người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của UBND và quy định rõ 1 Ủy viên phụ trách quân sự và 1 Ủy viên phụ trách công an để phụ trách về các lĩnh vực hoạt động quan trọng này ở địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) có không quá 5 phó chủ tịch, loại I có không quá 4 phó chủ tịch, loại II và loại III có không quá 3 phó chủ tịch UBND.

Đối với đơn vị hành chính cấp huyện loại I có không quá 3 phó chủ tịch, loại II và loại III có không quá 2 phó chủ tịch UBND.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I có không quá 2 phó chủ tịch, loại II và loại III có 1 phó chủ tịch UBND.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương 143 điều, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.

Luật tổ chức chính quyền địa phương xác định các đơn vị hành chính gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã) và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Theo Điều 4 Luật tổ chức chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.

Luật tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016 và sẽ thay thế cho Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Chiều cùng ngày 19/6, với 85,43% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật thú y.

Luật thú y gồm 7 Chương, 116 điều, quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y.

Luật thú y sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
 


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc