Phó Thủ tướng khẳng định công chức “cắp ô” đã giảm

18:33, 13/06/2015
|

(VnMedia) - Khi đại biểu đặt câu hỏi về tỷ lệ công chức “cắp ô” hiện nay so với đầu nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dù chưa biết tỷ lệ là bao nhiêu nhưng chắc chắn là có giảm và sẽ giảm mạnh...

>> Đề án tinh giản biên chế nhằm đội ngũ "cắp ô"
>> 6 giải pháp tinh giản biên chế không "đánh trống bỏ dùi"

Sáng nay (13/6), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời chất trực tiếp của các đại biểu Quốc hội. Một trong những câu hỏi được đại biểu chất vấn và tái chất vấn, đó là chất lượng công chức.

Theo đó, Đại biểu Lê Như Tiến đặt câu hỏi: Một bộ phận cán bộ công chức viên chức nhà nước có hành vi vòi vĩnh, quan cách hách dịch, vô cảm, vô tâm, xa dân gần quan, lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử với người dân, tự đánh mất năng lực lắng nghe và năng lực tiếp thu, quên hẳn trong bộ nhớ hai từ cảm ơn và xin lỗi khi thực thi công vụ. Xin Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ nói chung và bản thân Phó Thủ tướng có giải pháp mạnh nào nhằm cải cách chế độ công vụ, nâng cao trách nhiệm và đạo đức công chức viên chức để họ thực sự là công bộc của dân như Bác Hồ đã từng căn dặn.”?

Đánh giá câu  hỏi của đại biểu Tiến “rất liên quan đến người dân”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với 4 triệu công chức viên chức liên quan đến phục vụ người dân, nếu đội ngũ này làm tốt thì đó là sức mạnh to lớn thành sức mạnh quần chúng. Chính vì vậy, từng cán bộ phải tận tụy, lễ phép phục vụ nhân dân. Đây là một câu hỏi lớn hiện nay.

“Câu hỏi của đại biểu nói đến vấn đề đạo đức con người. Chúng ta có Luật công chức viên chức, có 18 Nghị định liên quan yêu cầu thực hiện nghiêm đạo đức công vụ đối với nhân dân. Sắp tới, Chính phủ sẽ có một số biện pháp thanh tra kiểm tra đổi mới chế độ công vụ như miêu tả việc làm, giảm biên chế, tăng cường kỷ cương kỷ luật, đánh giá bình chọn để đưa cán bộ năng lực kém ra khỏi bộ máy, làm bộ máy trong sạch.”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến biện pháp thi tuyển cán bộ để lựa chọn được những người tốt phục vụ nhân dân.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - ảnh: Dân Trí



Tái chất vấn vấn đề này, đại biểu Lê Như Tiến nói: “Phó Thủ tướng  có nói về hệ thống giải pháp cải cách chế độ công vụ, nâng cao trách nhiệm và đạo đức công chức. Tuy nhiên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cử tri và dư luận xã hội đã băn khoăn và cảnh báo về tỷ lệ 30% công chức trong bộ máy công quyền sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Đến nay đã cuối nhiệm kỳ, xin Phó Thủ tướng cho biết, tỷ lệ công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về còn bao nhiêu và hệ thống giải pháp của Chính phủ là gì?”

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công chức cắp ô là tình trạng đang diễn ra nhưng tất nhiên số đó không nhiều.

“Một mặt ta có giải pháp quản lý, giáo dục, kỷ luật lao động và đặc biệt là làm tốt việc mô tả công việc, đồng thời qua giám sát, dân chủ ở cơ sở phát hiện để đưa ra khỏi bộ máy công quyền. Còn tỷ lệ bao nhiêu thì chúng tôi cũng chưa nắm một cách chắc chắn. Lần trước cũng là dư luận  nói như vậy chứ không phải Phó Thủ tướng nói, nhưng báo cáo của các Bộ thì tỷ lệ này thấp. Nhân đây cũng đề nghị các địa phương, các bộ ngành rà soát đội ngũ của mình để hạn chế tối đa tình trạng sáng cắp ô đi tối cắp về” – Phó Thủ tướng nói.

Nghe câu trả lời này của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi: “Như vậy có giảm không?”

Ngay lập tức, Phó Thủ tướng khẳng định: “Có giảm chứ! Bây giờ Nghị quyết của Bộ Chính trị đã tinh giảm biên chế thì cái loại này dứt khoát là phải giảm sớm. Mà ai giảm? Chính là hệ thống chính trị cơ sở, Chi bộ, lãnh đạo... để phát hiện chứ không phải nói chung chung. Có giảm nhưng phải giảm mạnh hơn nữa mới đáp ứng đươc yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.”

Liên quan đến vấn đề nợ đọng văn bản (câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, Phó Thủ tướng cho biết: Về vấn đề này, Chính phủ có rất nhiều cố gắng, có nhiều phiên họp chuyên đề để bàn sâu hơn để tránh nợ đọng văn bản.

“Nhưng từ khi luật mới có hiệu lực thì số nợ văn bản  hướng dẫn luật tăng lên, hiện đã đến 67 văn bản, trong đó có 14 Nghị định, 8 Thông tư liên bộ.” – Phó Thủ tướng nói.

Về trách nhiệm, Phó Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận: “Đó là trách nhiệm của Chính phủ và của bản thân từng đồng chí thành viên Chính phủ. Tôi ghi nhận ý kiến này để đôn đốc kiểm tra cho công tác phối hợp, chọn chuyên gia, quy định chặt chẽ hơn để kịp thời hướng dẫn, đưa luật vào cuộc sống.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc