Phát triển vườn hoa sân chơi: Phải chỉ rõ trách nhiệm!

07:02, 29/06/2015
|

(VnMedia) - Theo TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội có đủ nguồn lực để tạo thêm nhiều vườn hoa, sân chơi, nhưng điều quan trọng là phải có giải pháp phù hợp và chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp chứ không chỉ có quyết tâm trong chỉ đạo...

>> Đại biểu quốc hội: Hà Nội cần tổng rà soát vườn hoa, sân chơi
>> Hà Nội và những "cuộc chiến" giành lại sân chơi
>> 3 cái “sốc” của Việt Kiều Pháp khi về Hà Nội
>> Sân chơi ở Hà Nội đang “biến mất” như thế nào?
>> Trẻ em Hà Nội đi hơn chục km chỉ để chơi… xích đu

Ảnh minh họa

TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm


Hà Nội đang thiếu nghiêm trọng các vườn hoa, sân chơi phục vụ cho nhu cầu của người dân Thành phố. Nhiều người cho rằng rất khó để tăng số lượng các vườn hoa sân chơi khi mà quỹ đất đang rất eo hẹp. Tuy nhiên, theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, Thành phố có đủ nguồn lực để làm, nhưng điều quan trọng nhất là vấn đề triển khai thực hiện và việc quản lý phải được thực hiện nghiêm túc, phân rõ trách nhiệm.

 Thưa TS, thời gian vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa rất nhiều thông tin về việc Hà Nội thiếu nghiêm trọng số lượng vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư, nơi người dân có thể thụ hưởng hàng ngày. Đứng ở góc độ nhà quản lý, ông đánh giá như thế nào về thực trạng vườn hoa, sân chơi ở Hà Nội?

Vườn hoa, sân chơi hay vấn đề cây xanh ở Hà Nội đều đang rất thiếu về số lượng so với chính quy định của Việt Nam chứ chưa nói so với thế giới. Ví dụ như vấn đề cây xanh, chúng ta phấn đấu mãi vẫn chưa đạt được mức tối thiểu (2m2/người), chứ chưa nói đến kỳ vọng vào mục tiêu như trong Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt là 7m2 cây xanh/người.

Ngoài ra, việc phân bố vườn hoa sân chơi cũng không đồng đều, chưa hợp lý so với mật độ dân cư của cả Thành phố, nhất là khu vực nội thành khi có những quận không có vườn hoa sân chơi nào (như quận Thanh Xuân). Điều này cho thấy sự không bình đẳng về quyền lợi của người dân trong thụ hưởng chất lượng cuộc sống.

Hà Nội đến nay đã có ít nhất 7 lần làm quy hoạch, trong đó không dưới 5 lần làm quy hoạch về vườn hoa công viên đều đặt rất cụ thể, chỉ đích danh vị trí này, vị trí kia trong nghiên cứu. Tuy nhiên, Quy hoạch chỉ là định hướng, là pháp lý, nhưng việc quản lý và thực hiện lại có điều chỉnh, thậm chí không giám sát nên mới có hiện tượng như vậy.
 
Bên cạnh vai trò của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn thì còn phải thấy một vấn đề là vai trò cộng đồng. Cộng đồng có quyền đề xuất lên những nhu cầu, những vấn đề để các cơ quan quản lý xem xét phê duyệt. Như vậy, cần phải xem xét cả 2 phía: Vấn đề quản lý của cơ quan chuyên môn rất quan trọng, nhưng cũng cần có giải pháp để nâng cao vai trò trách nhiệm của cộng đồng.
 
- Nhiều ý kiến cho rằng để tình trạng vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích cũng như việc không phát triển được vườn hoa sân chơi phục vụ người dân có trách nhiệm rất lớn của chính quyền. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
 
Đúng là nguyên nhân rõ rệt nhất là từ phía chính quyền, nhưng chính quyền là ai thì phải chỉ rõ ra mới thấy trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từ Thành phố đến cấp quận, phường hay người dân. Với một xã hội hiện đại dân chủ như hiện nay, tập trung là rất cần nhưng phải rất chú trọng đến việc làm rõ trách nhiệm, bởi đô thị là của dân, do dân và vì dân. Không gian công cộng, vườn hoa sân chơi có loại thành phố quản lý, có loại do quận quản lý, nhưng có loại vẫn phân cho chủ đầu tư quản lý. Đặc biệt phần lớn trong số này hiện nay lại do các chủ đầu tư xây dựng tiếp tục quản lý.
 
- Với kinh nghiệm của bản thân đã kinh qua rất nhiều chức vụ quản lý về đô thị như Giám đốc sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Kiến trúc sư trưởng Thành phố, theo ông giải pháp nào cho việc tăng số lượng cũng như chất lượng các vườn hoa, sân chơi ở Hà Nội?
 
Theo tôi, cần phải xem xét chúng ta có đủ điều kiện và tiềm năng để thực hiện hay không, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp để thực hiện. Đây là điều rất quan trọng bởi không thể chỉ quyết tâm trong chỉ đạo mà thành hiện thực được.
 
Trước hết, phải khẳng định chúng ta có đủ tiềm năng, tiềm lực để giải quyết tốt vấn đề vườn hoa sân chơi, để vườn hoa sân chơi trở thành tiêu chí nâng cấp chất lượng sống cho người dân, và là một tiêu chí xứng đáng để đánh giá Hà Nội là một thành phố thân thiện.
 
Muốn phát triển số lượng vườn hoa sân chơi, trước hết cần dựa vào mấy yếu tố sau: Trong nội đô còn rất nhiều quỹ đất là tiềm năng thực sự như di dời cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở bộ ngành. Hà Nội có 30 bộ ngành trong nội thành thì hiện nay 4 bộ ngành đã di dời nhưng vẫn giữ nguyên trụ sở, 6 đơn vị sắp đi thì chưa thấy định hướng gì, ngoài ra còn rất nhiều trụ sở bộ ngành khác đều không nêu ra được là sẽ làm gì với diện tích đất cũ khi di dời. Trong khi chỉ đạo của Thủ tướng là sau khi những trụ sở dời đi sẽ xây dựng những công trình công cộng, ưu tiên cho vườn hoa sân chơi, thì thử xem tất cả các dự án của bộ ngành di dời đi, kể cả những bộ ngành rất lớn, có ai dành cho vườn hoa sân chơi không? đều không có!
 
Hay như việc cải tạo các khu chung cư. Trong nội thành Hà Nội hiện nay có khoảng 33 khu chung cư với diện tích gần 1000ha, trong đó chỉ có 16 vạn dân nhưng đã bị lấn chiếm rất nhiều. Hà Nội đang quyết tâm cải tạo những khu chung cư này, vậy chúng ta phải khẳng định sẽ dành bao nhiêu vườn hoa sân chơi cho các khu chung cư này, phải nêu ra được và chúng ta sẽ có quỹ đất rất lớn, đến vài trăm ha.
 
Chúng ta cũng phải rà soát lại quỹ đất hiện có đang bố trí cho các công viên. Hiện nay trong Hà Nội có hơn 300ha đất dành cho công viên, vườn hoa sân chơi, nhưng bao nhiêu chỗ dành cho sân chơi, bao nhiêu chỗ dành cho kinh doanh? phải tính toán rà soát lại và Thành phố hoàn toàn có thể làm được.
 
Một tiềm năng rất lớn khác là chúng ta nên rà soát lại các dự án. Sau khi sáp nhập thì Hà Nội có hơn 700 dự án. Theo thống kê, đến năm 2014 có khoảng gần 350 dự án phát triển nhà ở, hiện nay đã giao được hơn 200 dự án với diện tích đất gần 6.000ha đất, nhưng rất tiếc nhìn lại chỉ có 56 dự án triển khai đúng, còn lại không đúng. Vậy tại sao chúng ta không rà soát lại các dự án này để thu hồi, nếu có vi phạm thì dành diện tích cho sân chơi ? Đây là những tiềm năng rất lớn chúng ta hoàn toàn có tiềm lực để làm.
 
Vấn đề nữa phải quyết tâm, đó là phải đổi mới tư duy về phân công phân cấp vườn hoa sân chơi. Không phải cứ to thì dành cho Thành phố, vừa vừa dành cho quận, nhỏ dành cho phường, còn dân thì không có trách nhiệm gì. Đặc biệt, đến nay, sau gần 15 năm xây dựng các khu đô thị mới, nhưng vẫn còn 9-10 dự án trong đó chủ đầu tư vẫn là quản lý các sân chơi chứ không phải là người dân hay chính quyền. Vì vậy, các chủ đầu tư muốn làm gì thì làm, họ cho kinh doanh, thu lợi nhuận cũng được. Phải đổi mới quản lý, lấy nhân dân làm cơ bản.
 
Một giải pháp nữa, đó là yếu tố xã hội hóa. Chủ trương nói nhiều, nhưng phải thực hiện. Bài học 121 hồ nước của Hà Nội, chính vì xã hội hóa hài hòa giữa lợi ích của chủ đầu tư và nhà nước thi còn vài chục cái đã kè và bảo đảm vệ sinh môi trường. Vấn đề vườn hoa sân chơi cũng vậy.
 
Một điều rất quan trọng, đó là chúng ta phải huy động sáng tạo của giới chuyên môn, trí thức, đặc biệt là của tuổi trẻ và cộng đồng, ví dụ như cuộc thi của Đại sứ quán Đan Mạch, hay cuộc thi của sinh viên… có rất nhiều sáng tạo nhưng hình như những sáng tạo này chỉ để khen thưởng rồi xếp vào đó. Phải đưa các sáng tạo này ra để thực hiện.

Rồi như sân chơi di động ở phố cổ Đào Duy Từ, hay vườn hoa sân chơi nhiều tầng lớp ở Thành Công… Đã đến lúc phải huy động mọi giới, mọi lứa tuổi vào việc phát huy sáng tạo làm sân chơi. Có thể sân chơi là một không gian trong một thời hạn nhất định của một không gian vật thể ổn định, nay có thể là nơi biểu diễn văn nghệ, mai là sân chơi… các nước họ cũng làm như vậy.

Ảnh minh họa

Sân chơi có thể là một không gian trong một thời hạn nhất định của một không gian vật thể ổn định - trong ảnh: Sân chơi di động trong phố cổ Hà Nội


 
Quyết tâm, gắn với khai thác đúng tiềm lực, gắn với đề xuất các giải pháp cụ thể và sự đồng bộ các giải pháp thì chúng ta mới đi vững trên hai chân, nếu không chúng ta sẽ chỉ chập chững đi và khó thành công.
 
Hà Nội có đủ tiềm năng, có đủ năng lực để thực hiện những chỉ tiêu đặt ra, vấn đề là vai trò của cộng đồng, vai trò của các nhà quản lý và trên hết là nhận thức thực sự trong chỉ đạo, chứ không phải chỉ là nhận thức trên định hướng phát triển.
 
-  Ông có nói đến vai trò của xã hội hóa, nhưng có ý kiến lo ngại việc xã hội hóa bị biến tướng thành tư nhân hóa đất công, tức là giao đất công ích cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư, quản lý, kinh doanh và cuối cùng thì người dân mất cơ hội được sử dụng không gian công cộng đúng với ý nghĩa của nó ?

Trong phân loại đất đai thì có loại thu tiền và có loại không thu tiền, trong đó đất cây xanh, công viên (tính tỉ lệ m2/đầu người) là đất không thu tiền. Phân loại rõ ràng như thế, nhưng trong quản lý thì có sự không rõ ràng và chính các doanh nghiệp, các chủ đầu tư lợi dụng sự không đồng bộ trong luật, trong cả hệ thống để họ hoán đổi vị trí cho nhau. Đó là điều cần quan tâm.
 
Như vậy, cần nhắc lại là yếu tố quản lý trong xây dựng quy hoạch là quan trọng. Quy hoạch đặt ra phải có người quản lý chứ không phải nay điều chỉnh, mai điều chỉnh hoặc giao quy hoạch được duyệt xong là xong, giao cho anh đầu tư xây dựng xong rồi không ai quản lý cả. Cần phải quan tâm đến vấn đề quản lý khai thác sử dụng. Hiện nay chúng ta đang thiếu lực lượng này cho nên nó mới có sự không đồng bộ, có sự khác biệt giữa quy hoạch với thực tiễn, giữa thực tiễn xây dựng với thực tiễn khai thác sử dụng, không đồng bộ giữa luật này với luật khác… Đây là vấn đề cần phải nâng cao năng lực quản lý.

-  Vậy còn riêng với những quy hoạch đã có thì việc kiểm soát phải thực hiện như thế nào, thưa ông?
 
Trước hết, chúng ta phải phát hiện ra những dự án có quy hoạch nhưng không triển khai không để đề xuất xử lý. Tôi cho là Hà Nội sẵn sàng tiếp thu những vấn đề này.
 
Thủ tướng đã có hẳn một quy định về vấn đề xử phạt hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, tổ chức thực hiện dự án. Hà Nội lại có cụ thể hóa quyết định xử phạt vi phàm hành chính được cả HĐND, Mặt trận Tổ quốc tham gia quy định rất rõ hình thức xử phạt. Vấn đề là ai phát hiện ra? Ví dụ như vụ công viên bán đảo hồ Đống Đa bị biến thành nhà hàng Lã Vọng. Nếu vừa rồi báo chí không vào cuộc thì cũng ít người đưa kênh thông tin này tới các nhà lãnh đạo. Hay như khu Trung Hòa Nhân chính,họ  biến 3-4 ha công viên thành một bãi bia. Nhưng khi báo chí vào cuộc, truyền đến tai các nhà lãnh đạo, họ thấy sai lầm từ cấp dưới của mình nên đã kiên quyết tổ chức thu hồi lại. Như vậy, nếu rà soát được, chúng ta có công cụ để xử lý, vấn đề chỉ là ai phát hiện, ai đưa tin và kênh đó có hữu hiệu hay không.
 
-  Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi.

Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam mới đây đã gửi kiến nghị đến các cấp lãnh đạo của thành phố Hà Nội như UBND, HĐND, trong đó đề xuất những giải pháp để giữ gìn và phát triển vườn hoa sân chơi trong các khu dân cư. Đó là:

- Rà soát và bổ sung các quy định về quy hoạch, quản lý và sử dụng vườn hoa sân chơi trong các khu dân cư ở Hà Nội.

- Lập chương trình nâng cấp đô thị cho Hà Nội bao gồm nội dung nâng cấp và phát triển hệ thống vườn hoa, sân chơi khu dân cư.

- Xây dựng một kế hoạch nâng cao chất lượng và số lượng vườn hoa sân chơi trong khu dân cư ở Hà Nội dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng vườn hoa, sân chơi hiện hữu trong các khu dân cư, khảo sát nhu cầu của người dân về việc quản lý và sử dụng các vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư, thảo luận với cộng đồng về việc quản lý và sử dụng vườn hoa sân chơi trong các khu dân cư để tạo ra sự đồng thuận và phát huy hiệu quả quy hoạch, xây dựng.

- Các biện pháp thực hiện trước mắt nhằm cải tạo, nâng cấp các vườn hoa, sân chơi hiện hữu bao gồm:

. Tăng cường quản lý, thu hồi các diện tích vườn hoa, sân chơi đang bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích

. Huy động các nguồn lực đa dạng của xã hội và khuyến khích xã hội hóa công tác xây dựng/cải tạo vườn hoa, sân chơi khu dân cư.

. Lập quỹ đầu tư phục vụ công tác cải tạo, nâng cấp, xây mới vườn hoa, sân chơi khu dân cư.

- Trong quá trình triển khai khai thác tiềm năng đất đai, cần chú trọng ưu tiên đất dành cho vườn hoa sân chơi khu dân cư nhằm nâng cấp chất lượng cuộc sống cho người dân trước khi đấu giá đất công để tạo nguồn lực phát triển kinh tế.

- Lập quỹ đất ưu tiên để xây dựng vườn hoa, sân chơi khu dân cư và các không gian công cộng khác từ quỹ đất trống, quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm hoặc không phù hợp như bãi xe, bến xe, cơ sở công nghiệp, cơ sở y tế gây ô nhiễm... Trên cơ sở các quy hoạch của thành phố đã được phê duyệt và Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, thành phố Hà Nội cần sớm có văn bản kiến nghị Chính Phủ phê duyệt các danh mục ưu tiên sử dụng đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, các trường đại học, cao đẳng, trụ sở một số bộ, ngành, các dự án không phù hợp chưa thực hiện để xây dựng vườn hoa, sân chơi khu dân cư.


 


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc