"Nhiều đại biểu tính chuyên nghiệp chưa cao"

07:54, 26/06/2015
|

(VnMedia) - Theo Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), tại kỳ họp Quốc hội lần này rất nhiều Đại biểu có năng lực đóng góp nhưng cũng có điểm yếu là tính chuyên nghiệp chưa cao...

>> "Sẽ minh bạch, chống tiêu cực trong dự án sân bay Long Thành"
>> Quốc hội đồng ý xây sân bay Long Thành
>> Quốc hội thông qua Luật kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)
>> Quốc hội nghe báo cáo về sân bay Long Thành

Ảnh minh họa
Đại biểu Dương Trung Quốc

Chiều ngày 26/6, Kỳ họp 9 của Quốc hội khoá XIII sẽ bế mạc. Bên hành lang quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã có cuộc trao đổi với báo chí về những điểm nổi của kỳ họp này.

- Xin ông cho biết đánh giá chung của mình về kỳ họp gần cuối của khoá XIII này?

Theo quy luật tự nhiên, càng về cuối khóa, kỹ năng của các Đại biểu, nhất là một bộ phận rất đông Đại biểu lần đầu tham gia, hoặc không chuyên trách ngày càng nhuần nhuyễn hơn. Đó chính là điều tôi thấy tiếc, bởi theo cơ cấu tổ chức của Quốc hội, số lượng Đại biểu chuyên nghiệp, làm nhiều nhiệm kỳ tương đối ít.

Trong những kỳ họp cuối, một trong những công việc nặng nhất là lập pháp và chúng ta đứng trước áp lực rất lớn. Vừa là người trong cuộc, vừa là người chứng kiến, tôi thấy rất nhiều Đại biểu có năng lực đóng góp nhưng cũng có điểm yếu là tính chuyên nghiệp chưa cao.

Một điểm nổi trội của hoạt động Quốc hội là nội dung tham gia thảo luận đã phản ánh tính đa dạng của các thành phần, trải nghiệm của mỗi cá nhân, địa phương, mỗi ngành. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn ở những nhiệm kỳ sau, Quốc hội cố gắng hướng tới tính chuyên nghiệp ngày càng cao.

- Vì sao chúng ta chưa đạt được tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động Quốc hội, thưa ông?

Tôi đã nhiều lần nghe giải thích về đặc thù của Quốc hội, khi nói tại sao thành phần không chuyên trách nhiều, tại sao không có các chính khách chuyên nghiệp, điều rất phổ biến ở các nước. Tất nhiên chúng ta có điều căn bản nhất là chỉ có một Đảng, không đa đảng như các nước. Nhưng tôi vẫn mong rằng, trong sự phát triển, khi chúng ta hội nhập với thế giới thì càng bớt đặc thù bao nhiêu càng tốt, cho dù chúng ta luôn quan tâm gìn giữ bản sắc riêng.

- Trong kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận Luật Trưng cầu ý dân, thể chế hoá quy định của Hiến pháp. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Không phải tự nhiên mà trưng cầu ý dân trở thành tập quán phổ biến của thế giới. Đây không phải là vấn đề dân trí, mà chính nhờ có trưng cầu dân ý cũng góp phần thúc đẩy, nâng cao dân trí. Vấn đề ở chỗ chúng ta tạo ra tập quán xã hội, ý thức của người dân về quyền của mình. Với hình thức dân chủ trực tiếp như vậy, dù người dân thờ ơ nhất với chính trị, với Quốc hội thì họ cũng thấy rằng hiệu ứng với họ là quan trọng.

Ví dụ, một số quốc gia khôngquan tâm đến tỷ lệ người tham dự, miễn đa số đồng ý là họ thực hiện. Có thể ban đầu có những ngươi thờ ơ, nhưng khi kết quả tác động trực tiếp vào đời sống thì họ không thờ ơ được nữa mà phải tham gia để thực hiện quyền lợi.

Tôi cho rằng để nâng cao ý thức công dân, thông qua việc mỗi người dân thể hiện quyền của mình thì không gì bằng mỗi người dân thể hiện quyền dân chủ trực tiếp. Đó là trưng cầu ý dân, hay sau này là vấn đề bầu cử trực tiếp, một yếu tố mà chúng ta phải hướng tới.

- Về hoạt động chất vấn, ông đánh giá thế nào về các nội dung, cách thức giải trình của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này?

Qua quan sát, tôi thấy kỹ năng chất vấn và trả lời chất vấn ngày một tốt hơn. Đương nhiên đằng sau kỹ năng trả lời cũng có thể là những “kỹ xảo” để đáp ứng tình hình. Về lĩnh vực này, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc phải thay đổi cách thức chất vấn. Mỗi kỳ họp, thời lượng chất vấn có hạn mà người dân thì rất quan tâm, nhất là tính hiệu quả, khả thi.

Nếu chúng ta vẫn tiếp tục phương thức hiện nay là chất vấn trực tiếp Bộ trưởng thì riêng một Bộ trưởng có thể không giải quyết hết được các vấn đề của đời sống. Tôi đề nghị giữa 2 kỳ họp, những vấn đề nóng, “đầu bờ” có thể trực tiếp chất vấn Bộ trưởng cụ thể, còn 2 hai kỳ họp Quốc hội, nên chọn ra một số chủ đề cơ bản thông qua lấy ý kiến, tổng hợp lại. Chủ đề ấy nên do Thủ tướng hay Phó Thủ tướng đứng ra, đằng sau là dàn các Bộ trưởng liên quan, như vậy mới giải quyết được tận gốc vướng mắc. Khi đó, lời hứa không phải là của một người, mà là lời hứa của Chính phủ, tính khả thi sẽ cao hơn.

- Trong các hoạt động của Quốc hội kỳ này, kết quả nào ông thấy hài lòng nhất?

Tất nhiên là công tác giám sát, bởi việc giám sát thường mang hiệu ứng trực tiếp hơn. Còn mảng việc rất quan trọng là xây dựng lập pháp thì còn phụ thuộc nhiều quy trình khác, khi đi vào đời sống kiểm nghiệm mới có thể đánh giá được. Công tác giám sát ngày càng được quan tâm nhiều hơn, ví dụ như giám sát án oan sai.

Các kỳ họp gần đây, chúng ta đang đi đúng hướng là đưa Hiến pháp 2013 vào hiện thực. Một điều rất rõ ràng là chúng ta ngày càng quan tâm hơn đến quyền công dân, quyền con người, chính vì thế, việc thảo luận về những vấn đề liên quan đến vai trò con người trong đời sống xã hội thể hiện trong hệ thống lập pháp rất sôi nổi.

- Xin cảm ơn ông!


Bùi Ngà - (ghi)

Ý kiến bạn đọc