(VnMedia) - Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Người dân là dân chủ trực tiếp có quyền tranh luận với quan chức của nhà nước và có quyền đưa ra bằng chứng để bác bỏ quyết định của quan chức nhà nước"...
>> Cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật
>> Tuần này, bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
>> Phải trả lại công bằng, công lý cho người bị oan sai
>> Trung tướng Trần Văn Độ: "Phải buộc được tội mới kết tội"
>> Kết luận sai, cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm
Đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường
Sáng ngày 23/6, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Nhiều đại biểu đánh giá Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) là dự luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cũng thể hiện bước tiến mới về dân chủ, pháp quyền của nhà nước ta. Do đó, nhiều ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết phải ban hành luật sửa đổi này.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng cho rằng Tố tụng hành chính thực chất phần lớn là khiếu kiện của người dân với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan công quyền, do vậy cần đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Toà án. Vì vậy, việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, tính khả quan của bản án là hết sức quan trọng.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, Tòa hành chính là tòa dân kiện quan. Bởi vì, quyết định hành chính, hành vi hành chính của nhân viên nhà nước là quan, còn người dân, người khởi kiện, việc xét xử như thế nào để đảm bảo chính xác, khách quan.
Theo đại biểu Thuyền: trong Điều 19 có ghi 3 ý: Thứ nhất, nói về thẩm quyền và nguyên tắc tranh tụng; Thứ hai là đưa ra chứng cứ; Thứ ba là cung cấp thêm một số tài liệu trong khi tranh tụng. Theo đại biểu cần phải sửa lại điều này.
“Theo tôi sửa lại điều này. Bởi vì, nói đến tranh tụng thì Hội đồng xét xử là người điều hành, Chủ tọa phiên tòa phải điều hành người khởi kiện nói trước, sau đó người bị kiện tức là quan chức nhà nước phải trình bày. Đây là vấn đề hết sức tiến bộ, đây là dân chủ trực tiếp, không phải là dân chủ đại diện. Người dân là dân chủ trực tiếp có quyền tranh luận với quan chức của nhà nước và có quyền đưa ra bằng chứng để bác bỏ quyết định của quan chức nhà nước”, đại biểu Thuyền nêu ý kiến.
Từ phân tích trên, đại biểu Thuyền đề nghị trong thiết kế Điều 19, cần phải thiết kế lại cho hợp lý hơn. “Đây là một điều mới nói là tranh tụng nhưng đưa ra nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo. Trong Hiến pháp, trong Luật tổ chức tòa án đã ghi, trong điều này không cần ghi lại chỗ này. Theo tôi, nên giao cho Hội đồng xét xử nghiên cứu điều hành phiên tranh tụng”, đại biểu Thuyền nói.
Về thẩm quyền của cấp huyện, đại biểu Thuyền cho rằng chúng ta đang tăng cường thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp huyện trước đây chỉ cho xét xử đến 2 năm tù giam, sau cải cách nâng dần lên 5 năm, 7 năm, bây giờ Tòa án nhân dân cấp huyện được xét xử đến 15 năm tù.
“Không có một lý do gì nói là trình độ cán bộ cấp huyện yếu, bởi vì họ đã làm được những vụ án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh ngày trước làm. Cơ bản bây giờ số án hình sự là Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử. Họ không có tòa chuyên trách, nhưng theo tôi quyết định hành chính này không những có những điều chúng ta ngại là sợ thẩm phán không dám đối đầu với chính quyền địa phương, tôi cho rằng điều đó không phải như vậy. Bởi vì, nếu chúng ta nói như thế thì tất cả dồn lên cấp tỉnh, người dân phải kiện một vụ án hành chính đi rất xa”, đại biểu Thuyền nêu ý kiến.
Đại biểu Thuyền phân tích: Ví dụ Lâm Đồng từ cấp huyện lên cấp tỉnh gần 300 cây số để đi kiện thì việc này rõ ràng trở ngại cho dân mà người dân người ta muốn gần để tiếp cận công lý thuận hơn, bây giờ chúng ta lại dồn về cấp tỉnh, vì vậy việc đó không thuận lợi cho dân mà gây khó khăn cho dân.
“Chính vì vậy, thẩm quyền xét xử này vẫn thuộc thẩm quyền của cấp huyện là đúng hơn”, đại biểu Thuyền khẳng định.
Về vấn đề người uỷ quyền, đại biểu Thuyền cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng: “Tôi đồng ý với quan điểm là ủy quyền cho cấp phó, bởi cấp phó mà không biết nữa thì thôi làm phó làm gì, cho nên phó phải nắm chắc được công việc, bây giờ lại bảo phó không biết cho nên không làm được. Vấn đề này phải giao cho người có trách nhiệm thay mặt cho trưởng để quyết định vấn đề, chứ không được nói tôi ở đây, phiên tòa này và tôi về hỏi xin phép sếp đã thì không được. Phải đưa ra những bằng chứng công khai tại phiên tòa mà tranh tụng với người dân trực tiếp”
Đại biểu Thuyền cho rằng, phải thiết kế theo hướng để khẳng định người được ủy quyền phải là người có trách nhiệm và từ đầu đến cuối. Chứ không ủy quyền, sau đó lại phải đi xin phép.
“Tôi không đồng tình với quan điểm đó. Theo tôi phải ủy quyền cho người có trách nhiệm mà là cấp phó ra hầu tòa”, đại biểu Thuyền nói.
Đóng góp ý kiến về trách nhiệm địa vị pháp lý của Viện kiểm sát, Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Đoàn Long An) cho rằng, thực tiễn có nhiều vụ án mà nội dung phát biểu của đại diện Viện kiểm sát rất chủ quan, một chiều, thậm chí bỏ qua nhiều chi tiết chứng cứ trong hồ sơ để đưa ra một đề nghị mà đề nghị này sau đó bị Hội đồng xử án bác bỏ.
“Xét về quyền hạn của Viện kiểm sát trong vụ kiện hành chính cũng như dân sự, việc giới hạn nội dung phát biểu của Viện kiểm sát chỉ trong hoạt động kiểm sát sự tuân thủ pháp luật của Hội đồng xử án. Thẩm phán chịu trách nhiệm trong quá trình thự hiện tố tụng là đủ, không nên quy định nội dung phát biểu ý kiến bao gồm cả đề nghị cách giải quyết cụ thể vụ án. Tôi đề nghị sửa Khoản 3, Điều 45 theo quy định nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên như sau: tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hành chính và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân thủ pháp luật trong việc giải quyết vụ án hành chính theo quy định của luật này”, đại biểu Thu nói.
Về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh trong tố tụng hành chính, theo đại biểu Thu trong thực tế, người khởi kiện và người liên quan không phải lúc nào cũng biết và cung cấp quyết định hành chính để nộp theo đơn khởi kiện của tòa án vì nhiều lý do, cơ bản quyết định hành chính đó không phát hành cho người khởi kiện hoặc người liên quan, thông thường cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thường lấy lý do là không có liên quan nên không chịu cung cấp hoặc chấp nhận thông tin. Vì vậy, việc cung cấp bản sao quyết định hành chính khi nộp đơn khởi kiện là vô cùng khó khăn, phức tạp.
“Đây là hạn chế, khó khăn mà người khởi kiện vụ án hành chính khó có thể thực hiện được. Do đó, để giúp cho người khởi kiện thuận lợi hơn trong việc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án thì không nên bắt buộc khi nộp đơn khởi kiện tại tòa án phải kèm theo quyết định hành chính, mà chỉ cần trình bày quan hệ hành chính muốn khởi kiện”, đại biểu Thu nêu ý kiến.
Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung Khoản 1, Điều 78 như sau: Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại nếu có. Cung cấp các chứng cứ khác để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do để tòa án tiến hành xác minh thu thập chứng cứ.
Ý kiến bạn đọc