Lấy ý kiến người dân về đoàn tàu mua của Trung Quốc

09:06, 11/06/2015
|

(VnMedia) - Bộ Giao thông vận tải khẳng định đã xem xét và đang cho làm đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để xin ý kiến đóng góp của chuyên gia và nhân dân cả nước....

>>
Cần thuê tư vấn quốc tế đánh giá chât lượng tàu Trung Quốc                
>>
63,2 triệu đô mua đoàn tàu trên cao đầu tiên ở Hà Nội                
>>
Lộ thiết kế đoàn tàu tuyến Metro đầu tiên ở Hà Nội                

Trước dư luận về việc Ban Quản lý dự án Đường sắt đề xuất mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, Bộ Giao thông vận tải vừa lên tiếng chính thức về vấn đề này.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Được Bộ GTVT  phê duyệt dự án đầu tư ngày 15/10/2008.

Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông; mua sắm 13 đoàn tầu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h.

Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC (Engineering - Procurement - Construction: thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình bàn giao cho chủ đầu tư), Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát do bên tài trợ chỉ định. Ngoài ra, trong điều kiện hợp đồng tín dụng ưu đãi và hợp đồng EPC quy định các thiết bị và đoàn tàu do Tổng thầu chịu trách nhiệm thực hiện và phải mua sắm sản phẩm của Trung Quốc.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đơn vị này đã phê duyệt dự toán chi phí hạng mục Mua sắm đoàn tàu – Gói thầu số 1 (EPC) – Dự án đường sát đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông với giá trị hơn 63 triệu USD, bao gồm cả bảo hiểm và vận chuyển đến công trình cho 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (tổng cộng 52 toa tàu) và đơn vị chế tạo sản xuất, lắp ráp đoàn tàu đều phải thông qua đấu thầu.

Ảnh minh họa 

Mô hình tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Các đoàn tàu Việt Nam chọn mua là loại tàu B1 tuân thủ theo Quy phạm thiết kế Metro của Trung Quốc đã và đang khai thác ở Trung Quốc. Tuy nhiên trong quá trình thiết kế để phù hợp với điều kiện Việt Nam, Tổng thầu EPC cũng đề xuất đưa ra 5 mẫu hình dáng đoàn tàu với cách thiết kế khoang hành khách đầu máy khác nhau để xin ý kiến phía Việt Nam.

"Bộ GTVT đã xem xét và đang cho làm đoàn tàu mẫu để xin ý kiến đóng góp của chuyên gia và nhân dân cả nước. Đồng thời dự án có gói thầu tư vấn để kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các hạng mục thiết bị, đầu máy toa xe… bao gồm cả việc chế tạo và chạy thử để cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống trước khi đưa vào khai thác phù hợp về Chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện công nghệ tàu của Trung Quốc cũng rất phát triển dần bắt kịp với công nghệ tàu của các nước phát triển trên thế giới như Đức, Pháp, Nhật Bản. Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông đường sắt đô thị từ năm 1969 (tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại Bắc Kinh); tuyến tàu điện ngầm tiếp theo được xây dựng ở thành phố Thiên Tân năm 1984. Từ năm 2000, hệ thống vận tải nhanh trên các thành phố của Trung Quốc được tăng tốc đầu tư. Thủ đô Bắc Kinh hiện đã có 18 tuyến Đường sắt đô thị, 319 nhà ga, 527 km vận hành, với năng lực vận tải tới khoảng 9 triệu hành khách/ngày.

"Tại các đô thị, thành phố lớn, đặc biệt như Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lưu lượng giao thông rất lớn, ùn tắc và nguy cơ ùn tắc hiện thị hàng ngày. Giao thông đường sắt đô thị là loại hình phương tiện hiện đại, có năng lực vận tải lớn có thể giải quyết tình trạng ách tắc giao thông đang diễn ra hiện nay đồng thời mang lại sự phong phú về các loại hình giao thông hiện đại, tạo ra một diện mạo mới cho Thủ đô và hạ tầng giao thông đô thị trong thành phố ngày càng phát triển, hiện đại mang lại sự tiện ích cho người dân", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VnMedia, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, những quy định như vậy không thể thay đổi do Hiệp định vay vốn giữa 2 nước. Tuy nhiên, có một cách có thể thay đổi là, nước ta nên chủ động thuê tư vấn quốc tế để họ quản lý dự án cho mình.
 
Theo ông Liêm, việc này là không ràng buộc. "Phía cho vay vốn chỉ ràng buộc về tư vấn, thiết kế và mua thiết bị còn tư vấn quản lý dự án chúng ta được quyền thuê. Vì thế, chúng ta nên thuê một đơn vị tư vấn quốc tế nào giỏi để có mua tàu của Trung Quốc thì họ sẽ đánh giá xem đoàn tàu có đạt tiêu chuẩn hay không." - ông Phạm Sĩ Liêm nói.
 
Ông Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nói chung tàu Trung Quốc cũng tốt, mua cũng được, nhưng do mình không am hiểu nên dễ rơi vào tình trạng nhà thầu nói thế nào thì nghe thế. "Cũng không loại trừ trường hợp biết đâu tốt ở nước họ, còn ở nước mình thì không. Cho nên phải có người am hiểu chuyện này. Đằng này đã không biết, cứ tự quản lý, tự quyết định. Việc này là rất dở." - ông Phạm Sĩ Liêm quan ngại.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc