(VnMedia) - Thời gian gần đây, khi người dân tại một số tỉnh đang khoan giếng để lấy nước sinh hoạt thì bất ngờ một dòng nước lớn phụt lên, phun trào cao hàng chục mét...
Hàng loạt vụ giếng nước tự phun trào
Chiều 1/6, ông Nguyễn Văn Bảnh (huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu) thuê người về khoan giếng tại khu vực rẫy của gia đình. Mũi khoan chạm độ sâu 100 m thì có nước trào lên.
Điều đáng nói là khi công nhân vừa rút mũi khoan lên thì mạch nước ngầm phun lên khỏi mặt đất, tạo thành cột cao hơn 20 m. Đến sáng nay 2/6, nước phun cao khoảng 12 – 15m với áp lực rất mạnh. Đến 11 giờ cùng ngày, gần ngàn người dân hiếu kỳ đến rẫy ông Bảnh xem giếng khoan phun nước.
Sau khi xảy ra hiện tượng trên, Sở Tài nguyên Môi trường cùng Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Châu Đức đã đến giếng khoan nhà ông Nguyễn Văn Bảnh tìm hiểu nguyên nhân nước phun cao 20m .
Một cán bộ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết sẽ yêu cầu gia đình mua ống nhựa đưa xuống giếng khoan, sau đó sẽ khóa dòng nước hạn chế phun lên khỏi mặt đất. Sở Tài nguyên Môi trường sẽ lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Giếng nước nhà ông Bành ở Bà Rịa Vũng Tàu phun cao 20 mét. |
Điều đáng lạ là sự việc này không chỉ xảy ra ở Vũng Tàu, tính đến thời điểm hiện tại khu vực xóm Cầu Sắt, xã An Mỹ (huyện Tuy An, Phú Yên) đã có 4 giếng khoan nước tự phun trào, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng trăm hộ gia đình.
Trong đó, giếng nước của gia đình ông Nguyễn Thành Đức có sức phun trào mạnh nhất. Ông Đức cho biết, cách đây ít lâu, gia đình ông đã thuê thợ về khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Khi khoan đến độ sâu 40 m, giếng nước bắt đầu phun trào.
Gia đình đã đặt ống nước có đường kính 14 cm từ đáy lên khỏi mặt đất hơn 2 m, nhưng sức nước vẫn phun trào khá mạnh. Do nước dư thừa nên ông phải khơi dẫn dòng nước tới cánh đồng lúa gần nhà để giải bớt nguồn nước.
Được biết hiện tượng giếng nước tự phun trào đầu tiên phát hiện vào tháng 9/2014.
Hai khả năng gây lên việc giếng nước tự phun trào
Trao đổi với phóng viên VnMedia chiều 2/6, PGS, tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng cho rằng, việc nước giếng tự phun lên chứng tỏ ở dưới lòng đất có áp lực rất lớn.
Theo phân tích của ông Hùng, áp lực này có 2 dạng. Dạng thứ nhất gắn với mạch nước từ trên cao chảy xuống theo nguyên tắc bình thông nhau (nước ở trên cao chảy xuống theo mạch như ống) tạo thành áp lực cực lớn đẩy nước phun trào lên cao.
Dạng thứ hai là do những tác nhân khác gây ra, có thể là do áp của khí với nước trộn lại với nhau hình thành lâu ngày, khi có tác động sẽ đẩy nước lên cao. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhiều khả năng do hiện tượng nước chảy thông nhau gây ra.
“Để chính xách cần xem vùng nước phụt lên có vùng núi, đồi cao hoặc khe suối nào từ trên chảy xuống không?. Tuy nhiên, khi nước đã phun lên như vậy chứng tỏ áp lực rất lớn”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, khi áp lực còn mạnh thì nước còn phun lên, sau đó sẽ giảm dần và ngừng phun nước khi áp suất không còn đủ mạnh..
Còn tiến sỹ Trần Minh Tuấn, Bộ môn Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ, Trường Đại học Mỏ Địa chất thì cho rằng, việc người dân khoan giếng nước phun trào lên cao là do nước ngầm có áp. Chính vì thế, khi người dân chọc mũi khoan vào thì áp suất được giải phóng sẽ đẩy nước phun trào.
“Cứ tưởng tượng việc này giống như một quả bóng, khi anh chọc kim vào thì nước sẽ phun ra ngoài, sau một thời gian được giải phóng, áp lực nước giảm dần thì hiện tượng trên sẽ chấm dứt”, ông Tuấn cho biết.
Từng giải thích hiện tượng trên, ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên nói, hiện tượng nước tự phun trào nói trên là do áp lực tự nhiên.
Theo ông, trước đây, trung tâm từng khoan thăm dò để xây dựng các công trình cấp nước cho nhân dân ở hai xã An Hòa và An Mỹ (huyện Tuy An) cũng có hiện tượng nước tự phun lên. Sáu năm trước, tổ chức JICA (Nhật Bản) từng khảo sát, đánh giá khu vực xã An Mỹ, huyện Tuy An, nằm trên một dải nước ngầm lớn. Nhiều khả năng các giếng nước tự phun trào nói trên nằm trong khu vực này....
Ý kiến bạn đọc