Chuyên gia "bắt lỗi" vụ 1.300 cây xanh đổ

16:26, 15/06/2015
|

(VnMedia) - Theo các chuyên gia, dông lốc là nguyên nhân gây đổ 1.300 cây trên đường phố Hà Nội nhưng có thể thấy những cây bị gió “quật ngã” vừa qua là do rễ không phát triển được, bán kính rễ nhỏ, tán rộng, cành lá nhiều...

>>
6 người hút chết vì trú mưa dưới cây đa Cung thiếu nhi
>> Cuồng phong tàn phá cây xanh Hà Nội
 
Như đã đưa tin, khoảng 17h ngày 13/6, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra mưa dông kèm gió lốc. Tuy lượng mưa không lớn nhưng gió giật mạnh cấp 8, cấp 9 đã khiến 1.300 cây xanh bị bật gốc, gẫy, đổ, đè chết 2 người, làm thương ít nhất 10 người và làm hư hỏng 25 ô tô...
 
Theo thống kê của các đơn vị quản lý công viên cây xanh, số lượng cây đổ trên địa bàn 12 quận nội thành là hơn 900 cây, phần lớn là các cây rễ nông, ăn ngang, cành dòn (Muồng, Bằng Lăng, Phượng…). Nhiều cây gẫy đổ ngang đường, cản trở giao thông, đổ đè lên các đường dây, cáp điện, làm bật vỉa hè và các ống cáp ngầm dẫn đến mất điện sinh hoạt và điện chiếu sáng đường phố, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trong khu vực. 
 
Ngay sau khi xảy ra sự việc gần 2.000 người của các công ty công viên cây xanh, công ty chiếu sáng đô thị, công ty môi trường, lực lượng bộ đội, tự vệ tại chỗ, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự… đã được huy động để thu dọn cây đổ, dọn dẹp hiện trường, khắc phục sự cố...
 
Trao đổi với phóng viên VnMedia  sáng 15/6, Gs.Ts. Nguyễn Lân Dũng, Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng, gió mưa là chuyện của trời, chúng ta không ngăn được nhưng hoàn toàn có khả năng đề phòng các tác hại có thể xảy ra. 
 
Để đề phòng hiện tượng cây đổ, theo Gs.Ts. Nguyễn Lân Dũng, trước mùa mưa bão cần tiến hành chu đáo việc cắt tỉa cành, lá những cây có khả năng đổ, thay thế các cây bị mối mọt, sâu đục thân. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với thay thế hàng loạt cây cả tuyến phố.

  Ảnh minh họa

  Cây xanh đổ đè lên một loạt xe máy và ô tô trong trận cuồng phong chiều tối ngày 13/6 vừa qua ở Hà Nội.

“Cần có một đợt khảo sát tỷ mỉ và trung thực về thực trạng của 1.300 cây vừa bị gẫy đổ qua đợt dông lốc vừa qua, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết cho quá trình trồng cây sau này”, Gs.Ts Nguyễn Lân Dũng nói.
 
Còn Gs.Ts. Ngô Quang Đê, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho rằng, chuyện cây đổ có nhiều lý do. Dông lốc là nguyên nhân nhưng có thể thấy những cây bị đổ vừa qua là do rễ không phát triển được, bán kính rễ nhỏ, tán rộng, cành lá nhiều.
 
Theo ông, trong đô thị thường có hai loại cây: đường phố và sân vườn riêng. Do đó, những cây như: Phượng, Muồng… không thích hợp trồng ở đường  phố mà nên trồng ở sân vườn vì rễ chùm, cành giòn dễ gẫy.
 
“Nếu trồng ở đường phố nên chọn cây có tán gọn, có hoa. Hà Nội đang thiếu cây mùa đông, tôi đã từng gợi ý nên trồng cây Sở vì loại cây này tán gọn, xanh quanh năm và cải thiện môi trường tốt”, ông Đê đề xuất.
 
Theo đánh giá của ông Đê, đường phố Hà Nội đang được trồng hơn 30 loại cây khác nhau. Sở dĩ có việc này là do việc quy hoạch cây xanh hiện chủ yếu do các nhà kiến trúc làm chứ không phải do những nhà làm cây xanh. Đáng ra những tuyến đường trồng cây gì, vùng bắc trồng cây gì, vùng nam trồng cây gì mới cần phải nghiên cứu kỹ mới là quy hoạch.
 
“Chúng ta muốn phát triển tốt phải tìm hiểu xem cây này phù hợp với đất nào, đất ở nơi đó ra sao và điều kiện kinh tế - xã hội như thế nào. Hiện việc trồng cây ở các tuyến đường Hà Nội đang thiếu sự góp ý của các chuyên gia cây xanh đô thị”, ông Đê nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Gs. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam khi trao đổi với báo chí cho rằng, với cơn gió lốc mạnh vừa qua, khó tránh khỏi chuyện cây xanh bị bật gốc.

Tuy vậy, ông cũng chỉ ra cây đổ thường là cây rễ chùm, không ăn sâu xuống đất và có tán lá rộng. Những cây có đặc điểm như vậy không nên trồng ở đô thị như Hà Nội. Thay vào đó, chỉ trồng cây tán nhỏ, rễ cây ăn sâu chịu được gió bão. Ngoài ra, tính toán mối quan hệ hài hòa với nhà ở để “nhà che chắn cây, cây che chắn nhà”.

“Qua trận cuồng phong cho thấy cây xanh cũng có những lúc gây tác hại, nhất là khi giông bão về. Hà Nội cần thiết phải nghiên cứu, có sự tham gia của nhà khoa học để chọn cây phù hợp, giảm thiểu hưởng đến con người, người nhà cửa khi gió lốc” Gs. Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc