(VnMedia) - Theo ông Phạm Sỹ Liêm, phía cho vay vốn chỉ ràng buộc về tư vấn, thiết kế và mua thiết bị còn tư vấn quản lý dự án chúng ta được quyền thuê. Vì thế, nên thuê một đơn vị tư vấn quốc tế giỏi để có mua tàu của Trung Quốc thì họ sẽ đánh giá xem đoàn tàu có đạt tiêu chuẩn hay không.
>> 63,2 triệu đô mua đoàn tàu trên cao đầu tiên ở Hà Nội
>> Lộ thiết kế đoàn tàu tuyến Metro đầu tiên ở Hà Nội
Xung quanh việc Ban Quản lý dự án Đường sắt đề xuất mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sáng 9/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chia sẻ, nhiều người dân đã nhắn tin, gọi điện hỏi tại sao phải mua tàu điện Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Theo Bộ trưởng Thăng, dự án được thực hiện bằng nguồn vốn tín dụng của Trung Quốc, theo hiệp định ký giữa Chính phủ hai nước từ năm 2008 với phương thức tổng thầu EPC nên Việt Nam phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc và các gói thầu cung cấp trang thiết bị từ nước này.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng tương tự như các dự án sử dụng ODA của Nhật Bản hay Hàn Quốc khác, đều sử dụng nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, cung cấp thiết bị từ nước cho vay vốn.
"Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn. Do đó, rất mong mọi người chia sẻ", Bộ trưởng Thăng nói.
Tuy nhiên, trao đổi với VnMedia sáng 10/6, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng cho rằng, nếu do vay vốn của Trung Quốc nên phải mua tàu của họ thì phải trả lời câu hỏi: tại sao chọn vay vốn của Trung Quốc? nếu ta không vay thì có vay được của nước khác không?.
Theo ông Hùng, với những điều kiện bị ràng buộc như vậy, chúng ta phải xem với công nghệ ấy, thiết bị ấy, nhà máy nào sẽ cung cấp, từ đó yêu cầu họ phải công khai được các điều kiện đảm bảo kỹ thuật, thứ hạng của nơi định mua tàu đã được kiểm định thực tế ở đâu, dùng bao lâu, kinh nghiệm sản xuất và thương hiệu như thế nào...?
“Trong hai cái tốt, chúng ta sẽ chọn cái tốt hơn và ngược lại trong hai cái xấu, chúng ta chọn cái đỡ xấu hơn. Đây là cách cực chẳng đã nhưng phải làm để lựa chọn được sản phẩm tốt nhất”, ông Hùng nêu quan điểm.
|
Mô hình tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông. |
Theo ông Liêm, việc này là không ràng buộc. "Phía cho vay vốn chỉ ràng buộc về tư vấn, thiết kế và mua thiết bị còn tư vấn quản lý dự án chúng ta được quyền thuê. Vì thế, chúng ta nên thuê một đơn vị tư vấn quốc tế nào giỏi để có mua tàu của Trung Quốc thì họ sẽ đánh giá xem đoàn tàu có đạt tiêu chuẩn hay không." - ông Phạm Sĩ Liêm nói.
Ông Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nói chung tàu Trung Quốc cũng tốt, mua cũng được, nhưng do mình không am hiểu nên dễ rơi vào tình trạng nhà thầu nói thế nào thì nghe thế. "Cũng không loại trừ trường hợp biết đâu tốt ở nước họ, còn ở nước mình thì không. Cho nên phải có người am hiểu chuyện này. Đằng này đã không biết, cứ tự quản lý, tự quyết định. Việc này là rất dở." - ông Phạm Sĩ Liêm quan ngại.
“Việc này là do hiệp định hai bên đã thỏa thuận như vậy, nhưng để thực hiện tốt, chúng ta nên thuê tư vấn quản lý dự án để họ giám sát, kiểm tra việc thực hiện có đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế hay không? Chẳng hạn chúng ta có thể thuê tư vấn quản lý của Nhật, Pháp… Họ sẽ xem thử tàu có tốt hay không, tín hiệu và những thiết bị khác có tốt hay không….”, ông Liêm nói.
Đề cập đến việc lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng dù nhà thầu xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đồng rất yếu kém, nhiều lần muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn, ông Liêm cho rằng, cái đó là tại mình chứ không phải do nhà thầu.
“Tại sao không đưa ra kiện, xử lý? Mọi việc là trong hợp đồng. Hợp đồng đã quy định rõ, nếu tiến độ chậm, lỗi của bên nào bên đó chịu. Nhưng đâykhông làm gì cả chỉ ngồi kêu. Tôi thấy cách quản lý như vậy không được”, ông Liêm nói.
Theo ông Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nếu đã xác định nhà thầu quá yếu kém thì có thể thay bằng nhà thầu khác, vì Trung Quốc không chỉ có một nhà thầu. Đây là do chúng ta quản lý thiếu kiên quyết và chuyên nghiệp. Đã làm những công trình lớn như vậy, phải có tính chuyên nghiệp cao chứ không thể làm như chuyện “xây chợ ở thôn quê” thế nào được”.
Dẫn giải cho sự quản lý yếu kém và thiếu chuyên nghiệp của dự án, ông Liêm cho biết, trước đây dự án bị đội vốn lên 60-70% nhiều người hỏi tại sao lại để xảy ra sự việc trên, Ban Quản lý dự án bảo chúng tôi cũng có am hiểu lắm về việc này đâu. Ông không am hiểu sao lại bắt quản lý, tại sao không thuê những người giỏi quản lý thay? Việc này trong Luật Xây dựng có đề cập, đằng này anh tự ôm, tự quyết.
“Tôi không hiểu Bộ trưởng Đinh La Thăng tỏ ra rất kiên quyết ở các dự án khác nhưng đến dự án này cũng chỉ than thở? Kể cả có bị ràng buộc về hiệp định vay vốn thì vẫn phải làm tốt chứ không thể muốn làm thế nào thì làm”, ông Liêm nhấn mạnh.
Theo đề xuất của Ban quản lý dự án Đường sắt trình Bộ Giao thông vận tải, đơn vi này sẽ mua 13 đoàn tàu, loại B1 của Trung Quốc với cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ. Nhà sản xuất đoàn tàu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Beijing Rolling Stock Equipment Co., Ltd). Tổng chi phí mua tàu cho tuyến Cát Linh - Hà Đông là hơn 63,2 triệu USD.
Mỗi đoàn tàu có 4 toa xe, thân làm bằng thép không gỉ. Trong đó, chi phí sản xuất đoàn tàu (giá thành, bảo hiểm và cước tại cảng Hải Phòng) là 59,2 triệu USD. Chi phí bảo hiểm, vận chuyển tài sản về tới chân công trình tạm tính là 4 triệu USD.
Ý kiến bạn đọc