(VnMedia) - Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết có 3 loại đề tài “xếp ngăn kéo”, trong đó có loại nghiên cứu cơ bản đi trước thời đại và có loại đề tài thực sự không thể ứng dụng được...
Công trình khoa học: Chuyển giấy trắng thành... giấy lộn?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho biết, mặc dù còn rất khiêm tốn nhưng mỗi năm ngân sách Nhà nước dành khoảng 1.300 tỷ chi cho các công trình nghiên cứu khoa học, Luật nghiên cứu khoa học sửa đổi cũng được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, tình trạng đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo rất phổ biến, tỷ lệ các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế rất thấp và còn chưa được công khai gây lãng phí lớn.
“Cử tri đặt câu hỏi có phải sản phẩm khoa học của chúng ta nghiệm thu trên bàn là chủ yếu? có phải do chúng ta đầu tư dàn trải, không tập trung, đầu tư không đúng chỗ, đúng người, đúng việc? có hay không cơ chế xin, cho? đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề này? đến bao giờ tình trạng này cơ bản được khắc phục?” – đại biểu nói.
Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng khẳng định, lãng phí trong nghiên cứu khoa học là vô cùng lớn.
“Bộ trưởng đã nhắc rất nhiều lần đến 2%, tuy nhiên kết quả mang lại không tương xứng với số kinh phí chúng ta bỏ ra. Tôi nói ví dụ mỗi một bộ, một năm có đến vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ bỏ ra để nghiên cứu khoa học, nhưng cứ bảo vệ, in ấn rất đẹp, sau đó xếp lên giàn mà không có ứng dụng gì cả. Có nhiều người còn nói với tôi một câu rằng là nghiên cứu khoa học là một cách kiếm tiền khá dễ dàng.” – đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói.
“Tôi không biết sắp tới Bộ có trình Chính phủ về quy trình để xét duyệt đề tài hay không? Trên thực tế việc xét duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học qua nhiều cấp, nhưng vẫn không làm thế nào để loại bỏ được những đề tài không mang tính ứng dụng. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học xã hội, rất nhiều đề tài cấp nhà nước sử dụng vài tỷ, nhưng không mang lại tác dụng. Cách kiểm soát như thế nào và quy trách nhiệm ra sao?” – Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông có 39 năm làm khoa học, nhưng “trước khi muốn làm trung thực phải làm dối, ít nhất là dối để quyết toán được”.
“Như vậy thưa Bộ trưởng, tất cả chính sách tài chính bây giờ ta làm luật về ngân sách có giải quyết tình trạng là làm dối trước khi làm thật mà các nhà khoa học đã nêu?” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
“Các ý kiến cho rằng tại sao các công trình bị bỏ ngăn kéo? Công lớn nhất của công trình nghiên cứu khoa học là chuyển giấy trắng thành giấy lộn. Phải chăng là trên thực tế quản lý của ta là để lạm dụng những khái niệm khoa học để những công trình không có khoa học mà tiêu tốn tiền như đại biểu Cương nói có hay không? Tỷ lệ bao nhiêu?” – đại biểu Trần Du Lịch gay gắt nói.
|
Tàu hút bùn - Một sản phẩm khoa học công nghệ tiêu tốn tiền tỉ bị đắp chiếu |
Bộ trưởng Nguyễn Quân: 3 loại đề tài xếp ngăn kéo
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Đề tài xếp ngăn kéo có 3 loại. Đó là đề tài nghiên cứu cơ bản về cơ bản là xếp ngăn kéo, bởi vì nó đi trước thời đại, nó phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới có thể ứng dụng được.
"Ví dụ như chất bán dẫn được người Mỹ phát minh ra từ đầu thập kỷ 50 nhưng phải nằm ngăn kéo đến đầu thập kỷ 60 khi người Nhật mua sáng chế đó thì mới trở thành sản phẩm hàng hóa và ngày nay mỗi năm đóng góp cho thế giới hơn 20.000 tỷ đô la. Vì thế các đề tài nghiên cứu cơ bản thì chúng ta phải chấp nhận, phải có một giai đoạn chờ đợi." - Người đứng đầu ngành khoa học công nghệ dẫn chứng.
Loại đề tài xếp ngăn kéo thứ hai, theo Bộ trưởng, đó là những đề tài nghiên cứu ứng dụng. Có một số đề tài để trở thành sản phẩm hàng hóa được ứng dụng thì kèm theo phải có điều kiện về đầu tư, tuy nhiên rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Muốn trở thành sản phẩm được thương mại hóa thì phải có sự đầu tư từ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp của chúng ta hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt vẫn phải chờ cơ hội hoặc có một tập đoàn lớn đầu tư hoặc phải tìm kiếm được nguồn đầu tư từ trong nước và nước ngoài.
“Tôi thừa nhận có một số loại đề tài xếp ngăn kéo thực sự, tức là nghiên cứu xong không ứng dụng được. Điều này xuất phát từ chỗ các đề tài này không được nghiên cứu từ nhu cầu của doanh nghiệp và từ nền kinh tế, nghiên cứu theo sở thích và mong muốn của những người làm khoa học. Tất nhiên việc này cũng là việc tốt, vì những người làm khoa học có ý tưởng, có mong muốn họ được nghiên cứu, chỉ có điều là họ không nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của sản xuất và kinh doanh, cho nên khi nghiên cứu xong thì không ứng dụng được.” – Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, Luật khoa học và công nghệ 2013 có những nội dung hết sức quan trọng để khắc phục tình trạng này. Luật quy định từ nay trở đi những nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước phải là những nhiệm vụ đặt hàng, có nghĩa là phải xuất phát từ nhu cầu của sản xuất, kinh doanh, từ cuộc sống, không phải từ ý thích của những nhà khoa học.
“Trong Nghị định 08 năm 2014 chúng tôi quy định cơ chế đặt hàng, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đề xuất ý tưởng của mình, mong muốn của mình, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào chiến lược phát triển, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của mình, xác định đề xuất đó có phù hợp hay không, có đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hay không? Sau đó mới đề xuất đặt hàng với cơ quan quản lý khoa học, công nghệ.” – Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các cơ quan đề xuất đặt hàng phải cam kết khi tổ chức nghiên cứu thành công phải tiếp nhận kết quả nghiên cứu và tổ chức ứng dụng trong thực tiễn.
“Chúng ta thực hiện nghiêm Luật khoa học và công nghệ 2013 thì sẽ không còn tình trạng đề tài nghiên cứu xong phải bỏ ngăn kéo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước mà không ứng dụng được. Có điều chúng ta có thực hiện nghiêm túc Luật khoa học và công nghệ hay không.” – Bộ trưởng nói.
Ý kiến bạn đọc