Bộ Giáo dục "sẽ không để có cú sốc lớn"

08:21, 13/06/2015
|

“Các cháu yên tâm ôn tập, làm bài một cách cố gắng nhất, các thày, các cô luôn mong chờ, trân trọng ghi nhận kết quả của các cháu, không để có những cú sốc lớn trong xã hội” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục sẽ không để có những cú sốc lớn


Chiều qua (12/6), trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nhiều câu hỏi của Đại biểu đã tập trung vào vấn đề đổi mới giáo dục, đặc biệt là kỳ thi sắp tới.

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (TP Hà Nội) băn khoăn về việc trước đây, các tỉnh và các cơ sở giáo dục phổ thông làm, chấm, tổ chức thi, kết quả cao, khoảng 98-99%. Nhưng năm nay do các cơ sở giáo dục đại học chủ trì, các cơ sở này làm nghiêm thì có thể tỷ lệ tốt nghiệp sẽ thấp.

“Nhân dân lo lắng như vậy thì Bộ trưởng có giải pháp như thế nào để giúp cho tình trạng lo lắng của nhân dân?” – Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch đặt câu hỏi.
 
Đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Chúng tôi đã tính toán đến việc có barem điểm cho kỹ càng, làm sao để cho các cháu quá trình thi cử một cách nghiêm túc. Chúng tôi quan niệm quá trình thi này cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, chúng ta không để chỗ cho sự không trung thực, gian lận trong thi cử phá hoại trong quá trình mà ta giáo dục nhân cách cho các cháu. Còn kết quả, đã gọi là tốt nghiệp phổ thông thì phải là phần lớn các cháu, chứ không thể có sự thay đổi đột ngột ở đây được.”

Theo Bộ trưởng nhấn mạnh: “Điều này chúng tôi đã họp, bàn, quán triệt với các đồng chí hiệu trưởng các trường đại học với các đồng chí giám đốc các sở. Chúng tôi muốn qua làn sóng truyền hình kỳ họp này sẽ truyền tới các cháu và các cháu yên tâm ôn tập, làm bài một cách cố gắng nhất. Các thày, các cô luôn mong chờ, trân trọng ghi nhận kết quả của các cháu, không để có những cú sốc lớn trong xã hội trong quá trình triển khai, vì mục tiêu của đổi mới căn bản của đào tạo là không phải tạo ra những cú sốc, mà tạo sự thay đổi, biến chuyển của chất lượng tốt lên.”

Cũng liên quan đến kỳ thi sắp tới, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) e ngại điều kiện đi lai, ăn ở khó khăn khi tham gia đi thi cụm để xét tuyển đại học. “Thi ở địa phương chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp là chính. Quy định như vậy liệu có lấy đi cơ hội vào đại học của các cháu hay không?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Giải thích cho vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: có 2 loại cụm thi: Một loại cụm thi dành cho thí sinh chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì thi tại địa phương. “Theo báo cáo của các tỉnh cho chúng tôi biết đều là thi tại huyện. Về cơ bản các cháu không có gì khó khăn so với trước khi đổi mới kỳ thi này.” – Bộ trưởng thông tin.
 
“Còn với các cháu thi đại học, trước kỳ thi sắp tới thì các cháu phải khăn đùm, quần áo, ông bà, bố mẹ dẫn đi hoặc về Hà Nội, hoặc về thành phố Hồ Chí Minh, những thành phố lớn có trường đại học, hoặc về 4 cụm thi, các cháu phải đi một quãng rất xa. Bây giờ khoảng cách các cháu phải đi gần hơn, bởi vì chúng tôi bố trí thành 38 cụm. Các cháu không phải về tận Hà Nội mà có thể chỉ về đến Tuyên Quang để thi là được. Thay đổi này không làm cho các cháu và gia đình vất vả khó khăn đi thêm, mà giảm số lần đi, trước đây phải đi 2 lần, bây giờ đi một lần, nếu trước đây các cháu thi khối A xong lại thi khối B thì lại phải lên tàu đi đến một tỉnh khác thi khối thứ 2 ở trường khác, bây giờ chỉ thi một lần và đi một lần, như thế không có gì khó khăn hơn.” – Bộ trưởng giải thích.
 
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hiện nay, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vào cuộc rất quyết liệt, các sở, ban, ngành đã tham gia vào quá trình này để chủ động bố trí các điều kiện phục vụ tốt nhất cho các thí sinh. Nhiều tổ chức chính trị xã hội đã tham gia để bố trí các chuyến xe chở các cháu đi lại, bố trí các nhà ở miễn phí, nhiều tổ chức chính trị xã hội khác đã tham gia vào việc hỗ trợ tiền nong để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu trong quá trình học. Về chỗ ở, chỗ ăn uống, qua làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố đặt các điểm thi, cho đến nay tất cả những vấn đề đó đã được lường trước, tính toán và có giải pháp triển khai.
 
“Đổi mới kỳ thi lần này, chúng tôi quán triệt các thầy cô giáo, các nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục nhận phần khó khăn về phía mình và tạo thuận lợi tối đa cho học sinh. Số lần đi thi giảm đi, số bài thi phải làm giảm đi, khoảng cách đi giảm đi, cho các cháu trước là có kết quả thi rồi mới cân nhắc lựa chọn để vào trường mình có khả năng trúng tuyển. Đó là ý thứ nhất.
 
“Ý thứ hai, với các cháu chỉ đăng ký để thi tốt nghiệp mà không đăng ký thi lấy kết quả thi xét tuyển đại học thì các cháu vẫn có cơ hội để vào đại học. Bởi vì như tôi nói ban đầu, thực hiện tự chủ của các trường đại học, Bộ giáo dục và đào tạo đã có quy chế để các trường đại học có phương án tuyển sinh riêng của mình. Năm nay nói con số lấy tròn có trên 150 trường đại học và cao đẳng có phương án để tự chủ tuyển sinh, các cháu hoàn toàn có cơ hội để vào các trường đại học, sau khi các cháu có kết quả đã trúng tốt nghiệp.” – Bộ trưởng giải thích.
 


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc