Bị “truy” liên tục, Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm

16:15, 11/06/2015
|

(VnMedia) - Sau khi đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn và tái chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát, người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn đã nhận trách nhiệm chỉ đạo chưa quyết liệt...

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn


Sáng 11/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, nhiều đại biểu có chung một sự quan tâm về những tồn tại của vấn đề tiêu thụ nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi... và đặt vấn đề về trách nhiệm cũng như hình thức chịu trách nhiệm của Bộ trưởng.

Nêu ví dụ về đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp là chính, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết, bà con nông dân phản ánh là trồng lúa bán ra thì doanh nghiệp kêu xuất khẩu chưa được nên mua giá thấp; trồng khoai lang, dưa hấu, hành tím thì không có nơi tiêu thụ; nuôi con tôm, con cá bán ra nước ngoài thì lại bị kiện bán chống phá giá... “Là một người đứng đầu của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng sẽ nói gì với bà con nông dân đang theo dõi, và Bộ trưởng sẽ làm gì để bà con yên tâm hơn trước thực trạng như hiện nay.” - đại biểu Kim Bé hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng khẳng định: "Thực tế tình hình cũng không đến nỗi không sáng sủa đến như vậy.”

“Không phải tất cả đều như dưa hấu, như hành tím. Cũng có mặt hàng được mùa, được giá như hồ tiêu. Trong 10 mặt hàng nông sản của chúng ta xuất khẩu năm nay, có 5 mặt hàng giá xuống và xuất khẩu xuống, đó là gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra. Nhưng có 5 mặt hàng lại lên, đó là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn và rau quả. Trong đó sắn xuất khẩu tăng tới 44%. Tình hình rất khác nhau, vì vậy trong mọi tình huống chúng ta sẽ bình tĩnh, xử lý những tình huống đã đặt ra.” – Bộ trưởng lạc quan nói.

Bộ trưởng giải thích: “Dưa hấu giá xuống vì khả năng thông quan thấp. Hành tím của Sóc Trăng ế do 70% hành của Sóc Trăng là xuất khẩu, chủ yếu là sang Indonesia. Từ cuối năm 2014, với chủ trương tự túc trong nước nên nước Indonesia dừng nhập khẩu hành từ nước Việt Nam nên đã ảnh hưởng làm cho tồn đọng. Chúng tôi đã sang tận Indonesia làm việc với các đồng nghiệp để tháo gỡ nhưng việc này cần phải có thời gian vì đây là chính sách của một nước.”

Về tổng thể, Bộ trưởng cho biết, để nông dân có thu nhập cao hơn từ sản xuất nông nghiệp, phải lựa chọn những mặt hàng làm với chất lượng cao hơn, với giá thành hạ hơn và làm căn cơ theo cả chuỗi giá trị để phát triển một cách bền vững và có hiệu quả.

Đi thẳng vào vấn đề, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: “Theo Bộ trưởng thì trong các khâu sản xuất nông nghiệp, như vấn đề cơ cấu của ngành, kế hoạch sản xuất, vấn đề giống, tiêu thụ sản phẩm v.v... Hiện nay, đâu là khâu yếu nhất ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó trách nhiệm của Bộ trưởng có hay không và trách nhiệm như thế nào? Cách chịu trách nhiệm ra sao? Biện pháp gì của Bộ trưởng để khắc phục, để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp là tiêu thụ nông sản, cái khó lớn nhất của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp đó là cgế biến chưa tương xứng.
“Nông dân chúng ta rất giỏi, làm nguyên liệu rất nhiều nhưng khâu chế biến của chúng ta chưa theo kịp nên trong nhiều trường hợp chúng ta vẫn phải bán nguyên liệu thô, với giá chưa có nhiều giá trị gia tăng. Để tiêu thụ được thì cũng phải có doanh nghiệp, muốn chế biến được thì cũng phải có doanh nghiệp.” – Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, cùng với việc chính sách tiếp tục hỗ trợ nông dân trực tiếp, thời gian tới và Thủ tướng cũng chỉ đạo rất quyết liệt từ 2 năm nay, tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI.

“Chúng tôi rất phấn khởi và Quốc hội cũng thấy có nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, TH True milk, Vingroup v.v... Cũng bắt đầu quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp. Không chỉ những doanh nghiệp lớn đó mà còn có nhiều doanh nghiệp trung bình và nhỏ khác.” – Bộ trưởng tiếp tục lạc quan.

Liên quan đến những câu hỏi về trách nhiệm, Bộ trưởng trả lời: “Chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc hướng dẫn về quy hoạch, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách, đặc biệt chúng tôi đang làm rất gắt gao với các cơ quan chức năng về những quy định thủ tục, về thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng v.v... để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.”

Hoan nghênh Bộ trưởng đã nói đến hai yếu tố mà mình quan tâm, với những giải pháp cụ thể, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp tục tái chất vấn với câu hỏi: “Vậy tại sao vừa qua, với một thời gian rất dài mà vấn đề này vẫn là khâu yếu và chưa phát triển được? Tôi thấy trong phần trả lời Bộ trưởng nói đến trách nhiệm của mình chưa rõ.”

Sau câu tái chất vấn này, Bộ trưởng đã thừa nhận: “Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ở đây chính là trong định hướng, chỉ đạo chưa quyết liệt để chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển của sản xuất. Thực tế chúng ta phát triển ra những giống mới, thế giới họ cũng chuyển động, nên ta phải liên tục phát triển mới theo kịp được, chúng ta lại muốn vượt qua các đối thủ cạnh tranh của chúng ta nên phải quyết liệt hơn rất nhiều.”

Về điểm yếu trong tổ chức lại sản xuất, Bộ trưởng cho biết, do vẫn thiếu doanh nghiệp mạnh, thiếu Tổ hợp tác, Hợp tác xã để hình thành những chuỗi sản xuất.

“Trong việc này, chúng tôi có trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành chưa hiệu quả, chúng tôi đang nỗ lực. Báo cáo với Quốc hội, chúng tôi cũng trăn trở và cố gắng làm, nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục làm quyết liệt, phối hợp với các bộ, các địa phương để triển khai thực hiện.” – Bộ trưởng nói.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc