(VnMedia) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đưa ra danh sách dự kiến các vị Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn và nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 9 (từ ngày11-13/6) để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở tổng hợp chất vấn của đại biểu Quốc hội, báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về kinh tế-xã hội và những vấn đề đang được dư luận quan tâm, Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa trình Quốc hội dự kiến danh sách người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Theo đó, về tổng hợp chất vấn của đại biểu Quốc hội, tính đến chiều ngày 1/6/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được 46 văn bản chất vấn, với 61 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ và 15 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành; trong đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được 8 chất vấn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận 9 chất vấn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường nhận 4 chất vấn; Bộ trưởng các Bộ Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính mỗi bộ nhận được 3 chất vấn; Bộ trưởng các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công an, Giao thông vận tải, Tư pháp nhận được 2 chất vấn…
Về dự kiến số lượng, danh sách người trả lời chất vấn, theo chương trình, kỳ họp này Quốc hội dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó 2 ngày để chất vấn 4 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành và ½ ngày để Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phân công) phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tiêu chí lựa chọn người trả lời chất vấn phải là người phụ trách lĩnh vực có nhiều vấn đề bức xúc, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm; hoặc có vấn đề đã được chất vấn nhưng trong thực tế chỉ đạo, điều hành, chuyển biến còn chậm ; hoặc trong lĩnh vực phụ trách chưa có nhiều nội dung bức xúc nổi lên nhưng những kỳ họp gần đây chưa có điều kiện giải trình trước Quốc hội; Đảm bảo hài hòa, phù hợp giữa các lĩnh vực.
Gương mặt của 5 vị Bộ trưởng nằm trong danh sách dự kiến trả lời chất vấn - nguồn: Vneconomy |
Dự kiến 5 Bộ trưởng trả lời chất vấn
Trên cơ sở dự kiến số lượng và các tiêu chí nêu trên, cùng với Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề xuất 5 vị Bộ trưởng để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 vị trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Danh sách bao gồm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến nhóm vấn đề chất vấn bao gồm tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; Thực trạng “liên kết 4 nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; Giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường.
Trong quá trình chất vấn, sẽ mời các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Công thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng nhà nước Việt nam tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.
Đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ủy ban Thường vụ dự kiến chất vấn các vấn đề như: Giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quốc hội sẽ mời Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Thông tin và truyền thông tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.
Đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chất vấn về giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; Trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; Việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hiệu quả sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ.
Quốc hội sẽ mời Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.
Đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến sẽ chất vấn về các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Việc đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới.
Quốc hội sẽ mời Bộ trưởng Bộ Tài chính tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.
Đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự kiến sẽ chất vấn về thực trạng và giải pháp tăng cường phổ biến, giáo dục, xây dựng lối sống lành mạnh, phòng, chống các biểu hiện xuống cấp về văn hóa, suy thoái về đạo đức xã hội, đạo đức học đường, đạo đức gia đình; công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; Thực trạng và giải pháp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em; Thực trạng và giải pháp khai thác và phát huy tiềm năng du lịch của Việt Nam.
Liên quan đến lĩnh vực này, Quốc hội sẽ mời Bộ trưởng các Bộ: Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Giáo dục và đào tạo, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.
Sau khi các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phân công) thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Về cách thức tiến hành chất vấn, chương trình kỳ họp đã bố trí thời gian dành cho hoạt động chất vấn là 2,5 ngày, bắt đầu từ ngày 11/6/2015. Trước khi tiến hành chất vấn sẽ dành khoảng 15 phút để Trưởng Ban Dân nguyện trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Sau đó, đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn 4 vị Bộ trưởng. Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phân công) thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trả lời chất vấn vào cuối phiên chất vấn, buổi sáng ngày 13/6/2015.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành theo các nhóm vấn đề để có điều kiện đối thoại sâu, đi đến cùng các vấn đề được quan tâm. Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, hạn chế giải thích dài và đặt câu hỏi mang tính tìm hiểu thông tin, thời gian hỏi tối đa không quá 2 phút/1 lần; người trả lời đảm bảo ngắn gọn, trực tiếp vào nội dung câu hỏi, bám sát nhóm vấn đề, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, có cơ sở để giám sát việc thực hiện.
Ý kiến bạn đọc