(VnMedia) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, với các dự án BOT dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới, việc bố trí trạm thu phí phải bảo đảm khoảng cách giữa các trạm theo quy định.
>> Nếu đặt đúng, nhiều trạm thu phí phải đặt giữa thành phố
>> Lập trạm thu phí dày đặc vẫn tuân thủ đúng quy định
>> Dọc cao tốc Nội Bài- Lào Cai sẽ có 10 trạm thu phí
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trên phạm vi toàn quốc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ triển khai đặt các trạm thu phí các dự án BOT trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát tổng thể các dự án BOT đã hoàn thành, đang triển khai và dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới; đánh giá tình hình thực hiện đối với từng trạm thu phí đang triển khai (về mức thu phí, khoảng cách giữa các trạm, kể cả các trạm không trên cùng một tuyến đường); những bất cập, vướng mắc nảy sinh và đề xuất hướng giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2015. Riêng đối với các dự án BOT dự kiến sẽ triển khai thì việc bố trí trạm thu phí phải bảo đảm khoảng cách giữa các trạm theo quy định.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện (nộp Quỹ bảo trì đường bộ) với việc thu phí qua trạm BOT, làm cơ sở hoàn thiện đồng bộ chính sách thu phí sử dụng đường bộ.
Chủ phương tiện nộp "thuế đường" khi qua các trạm thu phí Ảnh: Vạn Xuân |
Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang và sẽ hoạt động khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT). Trong đó, có 45 trạm thu phí đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT; 51 trạm chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (khoảng từ nay đến năm 2018).
Trong số 96 trạm, có 83 trạm do Bộ Giao thông vận tải ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT.
Hiện việc thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện theo 2 phương thức: Thu theo đầu phương tiện do đơn vị Đăng kiểm thực hiện và thu trực tiếp tại các trạm BOT do các nhà đầu tư BOT thực hiện.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, việc đặt các trạm thu phí hiện nay là hoàn toàn đúng theo quy định. Tuy nhiên, vị trí một số trạm thu phí nhỏ hơn 70km vì có mấy lý do. Thứ nhất là đầu tư công trình tập trung, ví dụ năm 2008, quyết định đầu tư cầu Đồng Nai, rồi đầu tư cầu Cổ Chiên và vừa thông xe, đi rút ngắn được 70km từ Trà Vinh lên Bến Tre.
Làm một cây cầu cho nên không thể đảm bảo được 70km, vì vậy, cầu Cổ Chiên cách trạm thu phí cầu Rạch Miễu hơn 50km nhưng hoàn toàn theo đúng quy định chứ không phải sai và vị trí đặt trạm phải có sự thỏa thuận giữa địa phương với Bộ Tài chính thì Bộ GTVT mới ra quyết định đặt trạm.
Có một loại nữa là trạm thu phí cự li khoảng 70km nhưng nếu đặt đúng 70km thì lại vào giữa thành phố, giữa thị xã hoặc giữa khu dân cư nên theo đề nghị của địa phương, Bộ GTVT phải thỏa thuận với nhà đầu tư, với địa phương, với Bộ Tài chính để đặt sân siu một chút trong cự ly chung là 70km nhưng ở vị trí thuận lợi hơn cho người dân và vẫn hoàn toàn đúng theo quy định....
Ý kiến bạn đọc