Xử phạt bệnh viện gây ô nhiễm môi trường: “Bó tay”

20:09, 25/05/2015
|

(VnMedia) - Việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động không khả thi khi áp dụng đối với các cơ sở công ích như bệnh viện, bãi rác... Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết.

Tại cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra chiều 25/5, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,  ông Hoàng Dương Tùng cho biết, việc xử lý các cơ sở thuộc khu vực công ích trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động không khả thi khi áp dụng đối với các cơ sở công ích như bệnh viện, bãi rác.

Đặc biệt, ông Tùng cho biết, một số cơ sở công  ích khi bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường nhưng đã không chấp hành quyết định xử phạt như bệnh viện đa khoa Việt Tiệp; bệnh viện Lao phổi Hải Phòng..., làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Trong khi đó, việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở công ích trong việc xử lý  ô nhiễm môi trường triệt để cũng chưa được quan tâm thực hiện.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng nhận định, một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chậm triển khai thực hiện kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ sở trên địa bàn mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc. Mặc dù Điều 19 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm  hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định về chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi thực hiện không đúng nội dung yêu cầu, tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường và hành vi không thực hiện biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý ô nhiễm triệt để. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc xử lý do tâm lý e ngại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một trong những điểm mới của Quyết dịnh 1788/QĐ-TTg là quy định một số biện pháp mạnh, buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải áp dụng như: buộc các cơ sở gây ô như sở Y tế tỉnh nhiễm môi trường nghiêm trọng phải áp dụng như: buộc phải thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thòi gian xử lý triệt để theo danh mục và biện p háp xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo ngay cơ quan chỉ đạo thực hiện xử lý triệt để về kế hoạch xử lý triệt để của cơ sở; định kỳ 6 tháng báo cáo tiến độ thực  hiện kế hoạch để kiểm tra, theo dõi, giám sát; thực hiện xử lý triệt để, đảm bảo hoàn thành theo đúng nội dung, tiến độ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt; niêm yết bản tóm tắt kế hoạch xử lý triệt để tại cơ sở và trụ sở UBND cấp xã nơi cơ sở đang hoạt động gây  ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để theo dõi, giám sát.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa



Tuy nhiên, qua kết quả thanh tra ban đầu cho thấy một số địa phương chưa quan tâm thực hiện, chưa tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch tới các cơ sở, nhiều cơ quan thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để không nắm rõ trách nhiệm và các nội dung cần  triển khai thực hiện xử lý triệt để đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do mình quản lý như sở y tế tỉnh Quảng Nam, sở y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, sở Y tế tỉnh Cao Bằng... Điều này lfm giảm hiệu  lực thực thi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phần lớn các địa phương chưa chủ động, tích cực xây dựng dự án, chưa quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ từ Trung ương; ngay cả nhiều dự án đã được hỗ trợ từ trung ương nhưng tiến độ triển khai cũng còn chậm.

“Nguyên nhân là do các địa phương không bố trí, bố trí không đủ hoặc chậm bố trí kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện dự án dẫn đến tiến độ dự án bị kéo dài; trong khi đó, những công trình đã được đầu tư nhưng không được đơn vị thụ hưởng duy trì, vận hành thường xuyên dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng; quá trình triển khai thực hiện dự án còn nhiều bất cập, vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt có dự án không thu gom được nước thải về hệ thống xử lý.” – ông Hoàng Dương Tùng cho biết.

Trước tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước nguồn sự nghiệp môi trường và nguồn đầu tư phát triển cho thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích nhưng chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để có thời hạn hoàn thành trước ngày 31/12/2015 theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg, bao gồm 15 bệnh viện, 5 bãi rác, 6 Trung tâm giáo dục lao động xã hội có tên tại danh mục của Quyết định số 1788/QĐ-TTg; 3 Bệnh viện và 6 Bãi rác còn tồn đọng tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg.

Bộ Tài nguyên cũng đề nghị tiếp tục tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, năm 2015 tập trung phân bổ kinh phí từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án xử lý ô nhiễm môi trường đối với 05 làng nghề, 01  kho thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có tên trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cố tình chây ì, không đầu tư thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường sử dụng các biện pháp mạnh về xử lý triệt để theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg; công khai thông tin về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bộ Tài nguyên cũng kiến nghị chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chậm tiến độ xử lý, cố tình chây ì, không đầu tư thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai thông tin về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa phương.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc