Xây dựng luật: Đại biểu bức xúc chuyện “đưa vào rút ra”

18:09, 27/05/2015
|

(VnMedia) - Sáng 27/5, thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đối với các dự án luật đã được đưa vào chương trình luật, xây dựng luật, pháp lệnh thì phải quyết tâm thực hiện, hạn chế tối đa việc “đưa vào rút ra”, trong đó có Luật Biểu tình...

Luật biểu tình cần có hiệu lực ngay năm 2016

Theo đó, phát biểu tại Nghị trường, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) đề nghị Quốc hội cho ý kiến về Luật biểu tình vào kỳ họp thứ 10 diễn ra vào tháng 10 tới và thông qua vào kỳ họp 11 để luật sớm có hiệu lực ngay trong năm 2016.

“Để đảm bảo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, đặc biệt là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tôi thiết tha đề nghị Quốc hội cho ý kiến dự án Luật biểu tình vào kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ thứ 11 vào quý I năm 2016.” – đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị.

Cùng quan điểm với đại biểu Hải Phòng, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nói: “Quyền biểu tình đã được Hiến pháp quy định. Nhu cầu có Luật biểu tình để đưa việc thực hiện quyền con người, quyền của công dân vào nề nếp, vào trật tự, điều này đã nói nhiều. Tôi tán thành việc Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải xây dựng và cho ý kiến trong kỳ họp này. Tôi tán thành với đại biểu Trần Ngọc Vinh là tốt nhất chúng ta đưa ra trong kỳ họp thứ 10 để lấy ý kiến và thông qua kỳ họp thứ 11.” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cũng cho rằng, sẽ là rất đáng tiếc nếu Đại biểu Quốc hội không được bấm nút để sớm thông qua hai dự án Luật biểu tình và Luật lập hội. Đại biểu Khánh cũng thể hiện mong muốn sớm được thay mặt nhân dân thông qua hai luật này.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đại biểu tỉnh Đồng Nai Đặng Ngọc Tùng cũng nói: ”Trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2016, tôi thiết tha kiến nghị cùng Quốc hội là nên đưa luật biểu tình vào”.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng phân tích: “Nếu Luật biểu tình ra sớm thì tình hình ổn định an ninh, tình hình xã hội thuận lợi hơn. Đặc biệt, trong tình hình Trung quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, người dân rất muốn có điều kiện để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và tình cảm, phản ứng của họ. Nếu có Luật biểu tình thì rất tốt.”

Ảnh minh họa

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Khi đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh thì trình bày sự cần thiết là vô cùng cấp thiết, song khi rút ra khỏi chương trình, cũng dự án đó thì lý lẽ cũng rất thuyết phục


Chương trình xây dựng luật: Cần xử lý trách nhiệm việc "đưa vào rút ra"

Không riêng đối với Luật biểu tình, phát biểu tại Nghị trường sáng nay, rất nhiều đại biểu có ý kiến về việc rút các dự án luật ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

“Tôi thấy rất lạ và không đồng tình với tình trạng nhiều năm không khắc phục được, đó là khi đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh thì trình bày sự cần thiết là vô cùng cấp thiết, song khi rút ra khỏi chương trình, cũng dự án đó thì lý lẽ cũng rất thuyết phục.” – đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu vấn đề.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị, đối với các dự án luật đã được đưa vào chương trình luật, xây dựng luật, pháp lệnh thì phải quyết tâm thực hiện, hạn chế tối đa việc “đưa vào rút ra” khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, không nên chuyển tiếp các luật sang nhiệm kỳ sau. Đồng thời không nên để một số dự án luật trên 2 nhiệm kỳ Quốc hội.

“Tôi thiết nghĩ đã đến lúc Quốc hội cần xây dựng chế tài cụ thể nhằm xử lý trách nhiệm của các đơn vị bộ, ngành, đơn vị chậm trễ trong việc xây dựng luật và pháp lệnh” – đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị.

Cùng quan điểm này, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng cho rằng “cần phải có nội dung xác định trách nhiệm của tổ chức cá nhân đề xuất chương trình khi đưa vào, bây giờ lại đề nghị rút ra.”

“Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật chuyên ngành là tạo cơ chế xin, cho không minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện luật. Đề nghị Chính phủ sau mỗi năm cần đánh giá cụ thể việc thực hiện kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua, có thái độ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đối với các lĩnh vực một cách nghiêm túc, có báo cáo với Quốc hội làm cơ sở cho các đại biểu Quốc hội lấy đó là một trong những yếu tố để cân nhắc khi thể hiện thái độ thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của pháp luật.” – đại biểu Chu Sơn Hà nhấn mạnh.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc