(VnMedia) - Làm sao để một người khuyết tật có thể sống độc lập, hòa nhập vào cuộc sống xã hội, thậm chí giúp ích cho xã hội? Đó là trăn trở của những người công tác tại các trung tâm Sống độc lập tại Việt Nam sau 7 năm mô hình này hình thành và phát triển.
Sáng 21/5, hội thảo “Sống độc lập của người khuyết tật Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham dự, chia sẻ hoạt động của các trung tâm Sống độc lập ở 5 thành phố tại Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Hội thảo là diễn đàn để đại diện của các trung tâm Sống độc lập tại 5 thành phố báo cáo kết quả của dự án trong suốt 7 năm kể từ khi hình thành (năm 2009), đồng thời là cơ hội để nêu ra những hỗ trợ mà các trung tâm đang cần từ chính quyền trung ương và địa phương.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội khẳng định, Sống độc lập, đối với người khuyết tật không có nghĩa là tự làm tất cả mọi việc hay là sống một mình. Sống độc lập, tức là với sự trợ giúp của xã hội và cộng đồng, người khuyết tật có thể sống hòa nhập, có khả năng độc lập tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình.
|
Người khuyết tật Hà Nội đi dã ngoại - một hoạt động có sự phối hợp của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội |
Với ý nghĩa đó, các trung tâm Sống độc lập chính là những nơi mà ở đó, chính những người khuyết tật làm công việc tuyên truyền và tư vấn cho người khuyết tật khác về lối sống độc lập, khuyến khích họ làm việc và hòa nhập, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ tích cực cho người khuyết tật.
“Ở Việt Nam, nhiều gia đình đã bao bọc một cách thái quá, làm thay mọi điều khiến những người khuyết tật không có cơ hội được sống độc lập, được làm những điều mình thích hoặc có thể làm. Vì vậy, mục tiêu của chương trình Sống độc lập là hỗ trợ từng cá nhân khuyết tật để họ phát huy được tiềm năng của mình ở mức cao nhất ngay tại gia đình và cộng đồng.” – bà Hà nói.
Cũng theo bà Nguyễn Hồng Hà, chương trình Sống độc lập là một tiếng nói mạnh mẽ để đảm bảo quyền của người khuyết tật được tiếp cận nhà ở, việc làm, giao thông, các công trình công cộng, các phương tiện giải trí, các dịch vụ y tế và xã hội một cách bình đẳng như những người không khuyết tật.
Tại Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, trung tâm Sống độc lập đã thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa như tham vấn đồng cảnh với mục tiêu lấy lại tự tin và ý thức về khả năng và giá trị của mình cho người khuyết tật; tập huấn về kỹ năng sống độc lập như lập kế hoạch quản lý tài chính, cách giao tiếp, cách nấu ăn…; nâng cao năng lực (kỹ năng quản lý, lập kế hoạch, điều phối, làm việc theo nhóm, vận động ủng hộ, tổ chức sự kiện)…; cũng như tập huấn và cung cấp người hỗ trợ cá nhân cho những người khuyết tật.
Trung tâm Sống độc lập Hà Nội cũng đã cung cấp các thông tin và dịch vụ tư vấn về hệ thống phúc lợi xã hội, các văn bản chính sách tiếp cận và làm thế nào để sửa đổi cho thành tiếp cận…; tổ chức giao lưu phổ biến về sống độc lập và thảo luận về những vấn đề của người khuyết tật; hỗ trợ những hoạt động nhóm, những cuộc dã ngoại và giao lưu của các thành viên để thể hiện kỹ năng sống độc lập…
|
Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội chia sẻ tại hội thảo |
Trong khi đó, đại diện Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực như tham vấn đồng cảnh; cung cấp người hỗ trợ cá nhân; tập huấn kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật; vận động biện hộ…
Bà Lưu Thị Ánh Loan, quyền Giám đốc Trung tâm cho rằng, điều quan trọng là phải truyền thông rộng rãi về việc hỗ trợ người khuyết tật nặng sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Thay vì cộng đồng nhìn vào những khiếm khuyết thì hãy nhìn vào khả năng của người khuyết tật và tạo điều kiện để họ phát huy khả năng sống độc lập.
Đặc biệt, đại diện cả hai trung tâm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đánh giá rất cao vai trò của người hỗ trợ cá nhân và cho rằng, công việc này cần phải được phát triển thành một nghề. Nếu được đào tạo bài bản và truyền thông đúng cách thì nghề này không giúp được rất nhiều cho người khuyết tật nặng mà còn giải quyết việc làm cho lực lượng lao động đáng kể hiện nay.
Hội thảo cũng được nghe ý kiến của một số người khuyết tật nói về những lợi ích to lớn mà các trung tâm Sống độc lập đã mang đến cho họ. Đó là nghị lực, là ý chí, là sự tự tin vào bản thân để vươn lên và giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Có những người cho biết, trước khi biết đến Trung tâm Sống độc lập, họ chỉ muốn chết, chết càng nhanh càng tốt. Nhưng giờ đây, họ chỉ ước cuộc sống được kéo dài, kéo dài mãi...
Chia sẻ tại hội thảo, ông Hiroaki Furihata, Quản lý chương trình Phát triển các Trung tâm Sống độc lập, Đại diện của Chủ tịch Tổ chức Người khuyết tật khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng là một người khuyết tật, vui mừng cho biết, các hoạt động của người khuyết tật đã thu hút sự được quan tâm của Chính phủ Việt Nam. Với vai trò là cánh tay hỗ trợ cho người khuyết tật, trung tâm Sống độc lập hiện đã được đề cập đến trong luật Người khuyết tật của Việt Nam.
“Việc hiện thực hóa Sống độc lập cho người khuyết tật tại Việt Nam sẽ tác động đáng kể đến khu vực ASEAN, trong đó bao gồm các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar…” – ông Hiroaki Furihata đánh giá và cho biết, trong thời gian tới, dù quỹ Nippon kết thúc chương trình tài trợ, ông sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau với tư cách là người khuyết tật đồng cảnh ngộ và mong muốn cuộc sống độc lập.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Lê Tuyết Nhung đề nghị các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện luật pháp, chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng mô hình trợ giúp cho người khuyết tật sống độc lập…
Ý kiến bạn đọc