(VnMedia) - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 20/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Báo cáo tại Quốc hội sáng 20/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Trong đó, cử tri đặc biệt quan tâm lo ngại về tình trạng nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, do hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để thực hiện được chức năng nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Cử tri và nhân dân phấn khởi về một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định của Chính phủ để đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu còn rất chậm. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các quy định về thiết kế tàu, điều kiện, thủ tục mức vay, thời hạn vay, lãi suất và hình thức cho vay phù hợp hơn với thực tế để ngư dân hiện đại hóa nhanh đội tàu, nâng cao hiệu quả đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm.
|
Cử tri mong muốn việc tổ chức thi tuyển cần thực sự khách quan, công khai, minh bạch - ảnh minh họa |
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 đã đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già. Song do nhu cầu cuộc sống trước mắt mà một bộ phận người lao động có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, thời gian vừa qua ở một số địa phương có tình trạng một bộ phận người lao động ngừng việc tập thể để phản đối quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014.
Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức trợ cấp bảo hiểm xã hội, phù hợp với quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế.
Cử tri và nhân dân phản ánh hiện nay việc thi hành các chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn một số bất cập, nhất là việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư và thực hiện các thủ tục hành chính. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2013 phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đồng thời tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện Luật đất đai tại các địa phương, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Đổi mới giáo dục: cần thí điểm ở quy mô nhỏ
Cử tri và nhân dân hoan nghênh những tiến bộ, giải pháp đổi mới của ngành Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên, còn lo lắng về tính hiệu quả và sự phù hợp thực tế của một số giải pháp như: đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng; việc không chấm điểm trong các trường tiểu học và phương án xét tuyển học sinh vào lớp 6.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sơ kết 1 năm thực hiện các giải pháp này để rút kinh nghiệm và có hướng dẫn kịp thời, bảo đảm đánh giá đúng năng lực học sinh phổ thông trong quá trình học tập; tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng các giải pháp đổi mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục thì cần thực hiện thí điểm trước ở quy mô nhỏ, có đánh giá tác động và xây dựng lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhà trường, phụ huynh, học sinh.
Cử tri và nhân dân vẫn băn khoăn, lo lắng về chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với người bệnh của một bộ phận nhân viên y tế, bác sỹ; việc cơ sở y tế không niêm yết giá thuốc, giá dịch vụ theo quy định; công tác kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thuốc chữa bệnh chưa được thường xuyên; việc nhập khẩu trang thiết bị y tế cũ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ tiêu chuẩn tại một số bệnh viện; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các địa phương tiếp tục có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để khắc phục các yếu kém, sai phạm nói trên.
Cử tri và nhân dân phản ánh về Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 còn một số bất cập, như việc bắt buộc mua thẻ bảo hiểm y tế đối với tất cả các thành viên trong hộ gia đình là chưa phù hợp với những hộ gia đình khó khăn về kinh tế, việc phải chứng minh sự tham gia bảo hiểm y tế của từng thành viên trong hộ gia đình khi các thành viên học tập, lao động, công tác ở những nơi khác nhau là phức tạp.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn riêng về việc quy định mua bảo hiểm y tế bắt buộc, tạo điều kiện cho nhân dân được khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên tuỳ theo mức độ bệnh của người bệnh; điều chỉnh chế độ chính sách bảo hiểm y tế đối với người bệnh là nạn nhân chất độc da cam khi bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo.
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng việc phát hiện và phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế; việc xử lý tham nhũng chưa kịp thời, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp so với quyết định của Tòa án.
Cử tri và nhân dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và kiên quyết xử lý các đối tượng tham nhũng, lãng phí, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí.
Cử tri và nhân dân đồng tình về chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng cho rằng việc thực hiện cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản biên chế đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cải cách tiền lương, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức.
Cử tri và nhân dân hoan nghênh một số bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức gắn với cải cách hành chính; tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo; đồng thời mong muốn việc tổ chức thi tuyển cần thực sự khách quan, công khai, minh bạch nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Ý kiến bạn đọc