Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19 /5/2015), tối 13/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt 2 năm 2015.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, Ban, ngành.
Các đại biểu tham quan triển lãm các tác phẩm đoạt giải bên lề Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt 2 năm 2015. |
Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến năm 2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được trao tặng cho các tác phẩm, tác giả, các đơn vị, cá nhân có thành tích nổi bật trong việc phát hiện, tuyên truyền, quảng bá, cổ vũ, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, nhân tố mới trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có tác động tích cực đến cộng đồng và trong xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, ngành, địa phương, đơn vị. Giải thưởng chia làm hai đợt, đợt 1 từ tháng 5/2011 đến tháng 3/2013; đợt 2 từ tháng 4/2013 đến tháng 5/2015.
Ban Chỉ đạo Giải thưởng cho biết số lượng tác phẩm, công trình, ấn phẩm tham gia giải thưởng đợt hai tăng gần gấp đôi so với đợt một (đợt một khoảng gần 300 tác phẩm, công trình, tập thể, cá nhân, xét chọn và trao 136 giải; đợt hai có gần 700 tác phẩm, công trình, tập thể, cá nhân, xét chọn và đề nghị trao 238 giải). Trong đó, tác phẩm phản ánh về điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác tăng lên, nhất là lĩnh vực báo chí, nhiếp ảnh, kiến trúc… Qua các vòng xét chọn, Ban Chỉ đạo Giải thưởng đã quyết định trao tặng 11 giải A, 59 giải B, 87 giải C và 81 Giải Khuyến khích cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Một tiết mục văn nghệ trong Chương trình Lễ trao Giải thưởng. |
Đặc biệt, trong đợt 2 của Giải thưởng, số lượng các đơn vị, cá nhân tham gia cũng tăng lên và không chỉ ở các thành phố, trung tâm chính trị, kinh tế lớn, mà ở các địa phương, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Giải thưởng đã thu hút sự tham gia của nhiều tác giả là cán bộ, đảng viên, sinh viên, Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài như Anh, Australia, Sri Lanka. Hội đồng Giải thưởng đã nhận được tác phẩm của tác giả là người dân tộc thiểu số, như Chăm, Châu ro, Tày, Êđê. Một số tác giả có nhiều đóng góp đối với đất nước trên các lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật, tuổi đã cao nhưng vẫn sáng tác gửi tác phẩm tham gia Giải thưởng như Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Hà Minh Đức, Giáo sư Trần Văn Bính...
Về chất lượng, tác phẩm, công trình tham gia Giải thưởng đã bám sát chủ đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần trực tiếp tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về những gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Một số tác phẩm có quy mô lớn, chất lượng tốt, như: vở diễn “Quyết đấu giữa sương mù” của tác giả Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng. Tác phẩm “Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người” của GS Hà Minh Đức; hợp xướng “ATK – Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Nguyễn Minh Quang; hợp xướng “Nhật lệnh gọi bình minh” của nhạc sĩ Ngô Duy Đông, thơ của Trần Khoái. Kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” của nhóm biên đạo NSND Phạm Anh Phương, NSƯT Nguyễn Hồng Phong, nghệ sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, âm nhạc của các nhạc sĩ: Đỗ Hồng Quân, Đặng Hùng, Đỗ Bảo; tuyển tập thơ ca dân gian “Người vùng cao nhớ ơn Bác Hồ” của Chi hội văn nghệ dân gian Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang; tượng đài chất liệu đá Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang của nhóm tác giả Lê Lạng Lương, Nguyễn Hồng Phong, Phạm Bá Đua…
Ý nghĩa thực tiễn của các tác phẩm, công trình tham gia Giải thưởng đợt này là đã góp phần động viên, khuyến khích, cổ vũ kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trên nhiều lĩnh vực. Hoạt động quảng bá được mở rộng, tạo điều kiện cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác; học tập kinh nghiệm, cách làm hiệu quả từ những điển hình tiêu biểu; đời sống văn hóa được nâng lên.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải. |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao và biểu dương Ban Chỉ đạo Giải thưởng và các đơn vị tham gia phối hợp đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc chỉ đạo, tổ chức, động viên các cơ quan báo chí, văn hóa, văn nghệ và đông đảo văn nghệ sỹ, nhà báo đã đem tài năng, tâm huyết và tấm lòng kính yêu Bác Hồ để sáng tác, quảng bá các tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trong bốn năm qua đã có hàng chục ngàn tác phẩm, công trình của hàng trăm lượt tập thể, cá nhân tham gia sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên các phương tiện, loại hình báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật: báo in, báo nói, báo hình, báo mạng điện tử, ảnh báo chí…; tác phẩm văn xuôi, thơ, kịch nói, kịch hát, truyện kể dân gian, lý luận phê bình, mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh… Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị: Từ kết quả của Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong bốn năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Giải tăng cường chỉ đạo, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo văn nghệ sĩ và các nhà báo, nhà văn sáng tác, quảng bá nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí có giá trị về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong những năm tới.
Với sự tham gia đông đảo của đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí, những người có tâm huyết với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, của các đơn vị thông tin, truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, báo chí, là thực tế khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời của Ban Bí thư về tổ chức Giải thưởng. Chủ trương đó đã tạo sinh khí mới đối với hoạt động sáng tác, quảng bá; động viên, khuyến khích và phát huy tính sáng tạo, trách nhiệm xã hội, tình cảm kính trọng của văn nghệ sĩ, nhà báo, của các tầng lớp nhân dân đối với Bác; làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân; khẳng định sự trường tồn của những giá trị mang ý nghĩa chính trị, văn hóa to lớn, đó là tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Ý kiến bạn đọc