(VnMedia) - Dự án lấn sông Đồng Nai được thực hiện thiếu cơ sở khoa học tin cậy, đặc biệt là chưa tính toán đến ảnh hưởng của lũ lớn ở thượng nguồn cũng như các hồ xả lũ... Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, ông Hoàng Văn Bẩy, cho biết.
>> Lấn sông chảy qua 11 tỉnh: Đồng Nai "một mình một chợ"
>> Kiến nghị dừng ngay dự án “lấn” sông Đồng Nai
Chiều 25/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phóng viên đặc biệt quan tâm đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan đến dự án lấn sông Đồng Nai.
Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, ông Hoàng Văn Bẩy, cho biết, từ năm 2005, chủ trương phát triển thành phố Biên Hòa thành khu đô thị thương mại dọc sông Đồng Nai và sông Cái đã được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho các sở ngành liên quan lập tờ trình gửi bộ Xây dựng xin ý kiến và Bộ Xây dựng.
Tiếp đó, từ năm 2008, UBND tỉnh triển khai nghiên cứu để bổ sung mục đích phát triển đô thị ven sông bên cạnh việc kè bờ và xây dựng công viên. Cũng từ đó, UBND tỉnh giao cho Viện khoa học thủy lợi Miền Nam nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động dòng chảy và năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động này làm cơ sở khoa học để triển khai các bước của dự án và các bước để hình thành sau này, từ khâu điều chỉnh quy hoạch... đều trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động này.
Tháng 8/2014, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt ĐTM, phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án v tháng 9/2014 làm lễ động thổ, chính thức dọn mặt bằng và tháng 1/2015 thì đổ đất đá để lấn sông.
Hiện nay, diện tích tổng thể dự án là 8,4ha, trong đó 7,7ha là phần đất lấn từ mép sông ra ngoài, chiều rộng chỗ rộng nhất gần 100m, chỗ hẹp vài chục mét. Việc xây dựng đoạn kè lấn sông này nằm ở mặt cắt sông lớn nhất (800m) và hiện nay dự án kè với chiều dài ước lượng khoảng 600m, khối lượng san lấp khoảng 60-70% khối lượng đất đá cần lấp.
Ngày 28/3, dự án đã chính thức tạm dừng. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải có văn bản chỉ đạo Bộ TN-MT chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành kiểm tra Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, báo cáo Phó Thủ tướng trước 28/5.
|
Khu vực dự án lấn sông Đồng Nai - ảnh: Tuổi Trẻ |
Thiếu cơ sở khoa học tin cậy
Trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả kiểm tra dự án, ông Hoàng Văn Bảy cho biết, thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, từ ngày 27/3 đến nay, Bộ TNMT đã chủ trì và phối hợp với 3 bộ là NNPTNT, Xây dựng, GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai cùng một số cơ quan liên quan để kiểm tra việc thực hiện dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, về các vấn đề đảm bảo thoát lũ và lưu thông dòng chảy không gây sạt lở lòng bờ ven sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước, mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động tổ chức mời tư vấn chuyên ngành và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam để nghiên cứu đánh giá tác động, đồng thời tỉnh cũng mời Viện Thủy lợi và môi trường của trường Đại học Thủy lợi để thẩm tra báo cáo này, trên cơ sở đó UBND tỉnh phê duyệt báo cáo tác động dòng chảy làm cơ sở căn cứ khoa học để triển khai chủ trương của ban Thường vụ và thường trực ủy ban ... Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động chưa lấy ý kiến của bộ TNMT, quá trinh tham vấn của các chuyên gia và các nhà khoa học cũng rất hạn chế, chưa lấy ý kiến của các địa phương trong lưu vực; báo cáo có một số vấn đề chưa được làm rõ hoặc chưa được nghiên cứu đánh giá đầy đủ, nhiều nội dung chưa đạt để có thể định lượng tác động của dự án tới các vấn đề thoát lũ, lưu thông của dòng chảy, sạt lở đầu bãi sông để làm cơ sở thực hiện dự án.
Ông Hoàng Văn Bảy cho biết, đặc biệt là dạ án chưa đánh giá vấn đề lũ lớn ở thượng nguồn và lũ lớn kết hợp với triều cường ở hạ du cộng với các hồ ở thượng nguồn xả lũ; chưa xem xét đánh giá tính ổn định của dòng dẫn trên toàn tuyến sông; số liệu chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nhất là số liệu địa hình, số liệu thủy văn, thước đó để kiểm định mô hình.
“Vì vậy, kết luận của báo cáo đánh giá tác động dòng chảy (việc lấn sông không làm thay đổi đáng kể thủy lực dòng chảy đoạn sông, không làm ảnh hưởng xấu đến dòng chảy và tác động vùng bờ lân cận) là thiếu cơ sở khoa học tin cậy để triển khai dự án; Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cũng cho rằng các kết quả đánh giá của tư vấn mới dừng ở mức nghiên cứu sơ bộ, chưa đưa ra cơ sở luận cứ khoa học để chọn phương án, chưa đủ độ tin cậy để có thể triển khai, chỉ mới đâu đó ở giai đoạn quy hoạch, hình thành ý tưởng dự án, cần tiếp tục nghiên cứu để nâng cao độ chính xác.” – Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước khẳng định.
Tiếp tục tạm dừng đề nghiên cứu
Về hướng giải quyết sắp tới, ông Hoàng Văn Bảy cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến.
Theo đó, để đảm bảo đầy đủ căn cứ khoa học của việc việc lấn sông sẽ tác động đến khả năng thoát lũ, đảm bảo lưu thông dòng chảy, đảm bảo sự ổn định của bờ sông trên toàn tuyến sông Đồng Nai, đặc biệt là trong các tình huống xuất hiện lũ lớn kết hợp với triều cường và xả lũ của các hồ chứa trên thượng nguồn, đồng thời phải đảm bảo tính khách quan, cần phải có một tư vấn độc lập, có năng lực, có uy tín để tiếp tục nghiên cứu tính toán lại để định lượng các tác động trên toàn tuyến.
“Dự án có làm nữa hay không, làm như thế nào thì chắc chắn phải có căn cứ khoa học. Chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia, nhưng đó mới chỉ là cảm nhận, còn để phân tích đánh giá đầy đủ phải có căn cứ khoa học. Chúng tôi kiến nghị theo hướng là Bộ Tài nguyên sẽ cùng 3 Bộ lựa chọn nhà tư vấn cho đảm bảo tính khách quan. Khâu thẩm tra thẩm định, lấy ý kiến của các nhà khoa học, các địa phương... thì cơ quan quản lý nhà nước phải đứng ra để khách quan, khỏi nghi hoặc và trên cơ sở đó, được thẩm tra thẩm định kỹ lưỡng, tác động đến đâu thì sẽ báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét, quyết định xử lý đối với dự án. Trong thời gian chờ sẽ tiếp tục dừng dự án. “ – Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước cho biết.
Ý kiến bạn đọc