(VnMedia) - Để những đứa trẻ có thể thoải mái nô đùa mỗi ngày trong một khoảng sân ấm cúng, những cụ già chiều chiều ngồi ghế đá chuyện trò thân thiện giữa Hà Nội là cả những câu chuyện dài, đôi khi là cả một “cuộc chiến” cam go…
>> Hà Nội ưu tiên ô tô hay con người?
>> Sân chơi ở Hà Nội đang “biến mất” như thế nào?
>> Trẻ em Hà Nội đi hơn chục km chỉ để chơi… xích đu
>> Hà Nội: Đầy ắp tiếng cười ở sân chơi trong phố cổ
Nhiều sân chơi đã biến mất hay bỏ hoang; nhiều không gian chung bị thay thế bằng hàng quán; trẻ con, đứa bé thì được cha mẹ cho đi mười mấy cây số để xếp hàng chơi xích đu, đứa lớn hơn thì chui vào quán nét chơi game, đứa ngồi ì xem tivi hay chơi Ipad dẫn đến béo phì, cận thị và thụ động…; tình trạng đất chật người đông, mạnh ai nấy chiếm; tình trạng ưu tiên đất cho các dự án “làm ăn kinh tế”; sự biến tướng của mô hình xã hội hóa; những cái tặc lưỡi của phụ huynh và sự thờ ơ vô cảm của nhiều lãnh đạo phường, quận… đã khiến cho thực tế thiếu vườn hoa sân ở Hà Nội đang trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, đằng sau tất cả những hình ảnh, thực trạng đáng buồn giữa đô thị Hà Nội lộn xộn và bừa bãi, chật chội và bon chen; chộp giật và vô cảm… vẫn có những nơi mà ở đó, những đứa trẻ vẫn được thoải mái nô đùa mỗi ngày trong một khoảng sân ấm cúng, những cụ già chiều chiều ngồi ghế đá chuyện trò trong không khí cởi mở và thân thiện... Nhưng để có được những không gian ấy là cả những câu chuyện dài, đôi khi là cả một “cuộc chiến” cam go…
Quán phở "thâm niên 20 năm" phải nhường chỗ cho sân chơi
Sân chung của tập thể Bộ Thủy sản trong ngõ 20 Nguyễn Công Hoan rộng chừng 150m2. Hai chục năm nay, một quán phở đã "ngự trị" già nửa cái sân, phần còn lại là lối đi và chỗ để xe.. của khách ăn phở. Chính vì vậy, cả mấy lứa trẻ con ở đây khi đi học về chỉ biết ở nhà xem tivi hay chơi điện tử; cùng lắm thì đá bóng hay chơi trốn tìm ở cầu thang. Trong khi đó, người dân ở khu tập thể cũng mặc nhiên chấp nhận, coi bà bán phở như là chủ của cái sân chung đó.
Thế rồi, từ khi bác tổ phó tổ dân phố biết được mô hình làm sân chơi giá rẻ bằng vật liệu tái chế của nhóm tình nguyện Think Playground, ý tưởng về việc làm sân chơi cho trẻ con đã được hình thành. Một cuộc họp tổ dân phố được tổ chức và thật bất ngờ, 100% ý kiến đồng ý đề nghị chủ quán phở trả lại không gian sân chung để làm sân chơi cho con trẻ.
Vấn đề còn lại là thuyết phục người chủ quán. Đây là mấu chốt cuối cùng của việc có làm được sân chơi hay không. Vậy là, từ tổ trưởng tổ phó dân phố, công an khu vực, Đảng ủy... đã lần lượt đến nói chuyện với bà chủ quán phở. Lý có, tình có, cuối cùng thì bà chủ quán cũng đã thông suốt, đồng ý dọn vào bán trong nhà.
Sau 20 năm có quán phở "ngự trị", giờ đây, mảnh sân nhỏ của khu tập thể trong phố Nguyễn Công Hoan đã trở thành "thiên đường" của lũ trẻ, chỉ với chiếc xích đu và con thuyền gỗ - ảnh: Tuệ Khanh |
Và, chỉ sau 1 tháng các kiến trúc sư tình nguyện của nhóm Think Playgrouds vừa thiết kế, vừa thi công, thiên đường của trẻ em khu tập thể đã thành hiện thực với một cầu trượt hình con thuyền làm từ gỗ tái chế, một xích đu làm từ gỗ và dây thừng, thêm một bập bênh làm từ lốp ô tô. Trong tổng số tiền làm sân chơi (chỉ hơn chục triệu), trừ số tiền được hỗ trợ bởi tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (Health Bridge Canada), số tiền còn lại mà mỗi hộ gia đình đóng góp không bằng một lần cho con chơi “xèng” trong trung tâm thương mại.
Cũng kể từ đó, không gian nhỏ này đã trở thành điểm hẹn vui chơi của hàng trăm trẻ em. Không chỉ những đứa nhỏ trong khu tập thể mà trẻ con quanh khu vực cũng đến “chơi ké” rất đông. Trong số đó, nhiều trẻ là con của những gia đình nhập cư, bán hàng quán ở chợ Ngọc Khánh - những đứa trẻ chưa từng được bố mẹ đưa đi chơi ở bất cứ công viên hay trung tâm thương mại nào. Ý nghĩa hơn khi cư dân của khu chung cư này trở nên gần gũi, thân thiện với nhau hơn. Ngay cả các bác giúp việc cũng vô cùng thích thú, bởi họ không còn bị "giam" trong 4 bức tường cùng trẻ nhỏ. Bố mẹ các bé giờ đây đã hoàn toàn yên tâm để "osin" đưa con xuống chơi ở khoảng sân này.
Sân chơi từ đất hoang
Những ngày này, trẻ con ở phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) đang vô cùng sung sướng được chơi đùa trong một khoảng sân rộng hơn 100m2, cũng chỉ với những thiết bị đơn giản như xích đu, cầu trượt, bập bênh… Nhưng để có được mảnh sân này là cả một quá trình dài.
Dự án hồ điều hòa Kim Đồng, phường Giáp Bát đã được Thành phố đầu tư xây dựng, cải tạo từ nhiều năm nay. Nhưng sau khi khánh thành phần lòng hồ thì những mảnh đất xung quanh hồ trở thành đất hoang, không ai chăm sóc, quản lý. Để tận dụng, người thì tranh thủ bán hàng, người để ô tô, bọn trẻ tranh thủ đá bóng, phụ nữ giành chỗ tập thể dục… Và, xung đột lợi ích bắt đầu diễn ra khá gay gắt.
Rất may, hội phụ nữ phường Giáp Bát đã chủ động đứng ra xin ý kiến của lãnh đạo phường, rồi tổ chức dọn dẹp. Họ đi từng nhà vận động, quyên góp từng vài chục nghìn đồng. Từ đó, người dân có chỗ đi bộ, những chiếc ghế đá bắt đầu được đặt quanh hồ. Rồi, một sân chơi cho trẻ em cũng được hình thành nhờ sự nỗ lực tuyệt vời của hội phụ nữ phường Giáp Bát, các kiến trúc sư của câu lạc bộ sân chơi xanh Hà Nội và sự ủng hộ của một số tổ chức khác.
Sân chơi phường Giáp Bát bắt đầu được hình thành nhờ quyết tâm của các chị phụ nữ. Trong ảnh: Lãnh đạo phường Giáp Bát và đại diện Hội phụ nữ phường có mặt cùng các tình nguyện viên lắp ráp đồ chơi - ảnh: Trần Huy Ánh |
Cuối năm 2014, ở tổ dân phố 30, phường Phương Mai, quận Đống Đa, một mảnh đất nhỏ với hai nhà bơm nước bỏ hoang cũng được tổ dân phố cùng nhóm Think Playgrounds “giải phóng”, cải tạo thành một sân chơi vô cùng quý báu đối với trẻ em trong khu vực. Nghe thì dễ, nhưng để có được sân chơi này, bà tổ trưởng dân phố và nhóm kiến trúc sư tình nguyện Think Playground cũng đã phải trăn trở, thuyết phục, thậm chí đấu tranh với những xung đột lợi ích khác nhau, bởi đất để hoang thì không sao, nhưng khi nó trở thành một "miếng ngon" thì sẽ có rất nhiều mục đích khác được cho là cần thiết, cấp bách hơn.
Sau khi "giải phóng" được một mảnh đất nhỏ, sân chơi ở phường Phương Mai đã được hình thành nhờ công của các KTS tình nguyện của nhóm Think Playground và sự đóng góp của bà con dân phố - ảnh: Lê Bích |
Ghế đá chặn ô tô giữ sân chơi
Trong khi ở rất nhiều khu đô thị, sân chung mặc nhiên bị chiếm dụng làm nơi bán hàng quán hoặc trông giữ xe thì ở khu đô thị mới Định Công, có một câu chuyện giữ sân chơi rất “nổi tiếng”. Đó là sân chơi ở tòa nhà CT6. Đây là một sân chung có diện tích khoảng 200m2, nhưng thường xuyên bị ô tô đỗ kín. Trước tình trạng đó, tổ dân phố đã họp bàn biện pháp “đối phó” và cuối cùng đã quyết định mua ghế đá quây xung quanh sân để chặn ô tô. Tiền mua ghế đá được cư dân của tòa nhà đóng góp.
Giờ đây, cứ chiều chiều, hàng chục cụ già, không chỉ ở tòa nhà CT6 mà còn ở nhiều khu nhà khác trong khu đô thị không có sân chơi rủ nhau đến ngồi trên những chiếc ghế đá để chuyện trò, chia sẻ và ngắm nhìn những đứa cháu chơi đùa chạy nhảy vui vẻ. Sân chơi này sẽ không giữ được sự xâm lấn của “nạn bãi đỗ ô tô” nếu các cụ trong tòa nhà không cương quyết, vì quyền lợi của bản thân mình và của các con, cháu.
Sân chơi tòa nhà CT6 đã được sử dụng đúng chức năng khi các cụ "mưu trí" đặt mua những chiếc ghế đá quây xung quanh để chặn ô tô - ảnh: Tuệ Khanh |
Và chuyện về những công viên quý giá
Hà Nội, do sự thiếu quan tâm và buông lỏng quản lý nên đã để nhiều sân chơi bị xuống cấp, lấn chiếm, thậm chí “biến mất”. Nhưng, công bằng mà nói, một số không gian công cộng quý báu khác đã có thể biến mất nếu không được lãnh đạo Thành phố quyết tâm giữ lại.
Điển hình phải nói đến vụ việc vườn hoa tam giác phía trước Nhà hát Lớn và khách sạn Sofitel, nơi từng dự định xây một tòa nhà, nhưng rồi sau nhiều năm trăn trở, cuối cùng lãnh đạo Thành phố đã quyết định “tặng” khu vực này một vườn hoa, tuy nhỏ nhắn nhưng đã mang lại một sự sang trọng tuyệt vời cho cảnh quan Hà Nội.
Ngoài ra cũng phải kể đến quyết định xây dựng vườn hoa Hàng Trống ở 42 phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm) hay vườn hoa Trần Quang Diệu (quận Đống Đa), là hai không gian xanh hiện đang thu hút rất đông người dân đến nghỉ ngơi, thư giãn.
Trước đó, Hà Nội cũng từng “suýt” mất 10m2 đất công viên Thống Nhất đề làm khách sạn SAS. Tuy nhiên, sau những phản hồi quyết liệt từ phía dư luận, Lãnh đạo Thành phố đã có quyết định hợp lòng dân, giữ lại không gian công cộng quý báu này.
"Cuộc chiến" giữ vườn hoa, sân chơi ở Hà Nội vẫn còn tiếp diễn, khi phần đất thu hồi từ dự án khách sạn SAS giờ đây có nguy cơ biến thành bãi đỗ xe |
Và “cuộc chiến” vẫn tiếp diễn...
Trong khi ngày càng có thêm nhiều cụ già đến ngồi chơi dưới tòa nhà CT6, thì những chiếc ghế đá thỉnh thoảng lại vẫn bị ô tô đâm vỡ. Vì thế, các cụ lại đang tiếp tục quyên góp tiền mua thêm ghế đá, để thay thế cho những chiếc bị ô tô đâm vỡ và để thêm chỗ cho những câu chuyện của tuổi già được chia sẻ.
Ở sân chơi Phương Mai, đã có lần người dân phát hiện dây thừng của chiếc xích đu bị ai đó cắt đứt, với những nhát dao sắc ngọt, độc ác muốn cắt đi niềm vui của con trẻ.
Ở sân chơi phường Giáp Bát, không hẳn mọi thứ đã ổn. Đâu đó vẫn còn những xung đột lợi ích khi vài người muốn ngồi bán quán kiếm tiền hơn là để số đông người dân đi bộ tập thể dục. Trẻ con vẫn khổ sở vì những quả bóng có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào bởi nhiều người lớn không muốn thế.
Sân chơi Nguyễn Công Hoan, một nồi nước phở vẫn sôi sùng sục ngay sau lưng chiếc xích đu, nơi bọn trẻ thả hồn bay bổng lên không trung, mặc cho nhiều cuộc họp của tổ dân phố đã lên tiếng.
Góc Công viên Thống Nhất, nơi mà Thành phố đã dũng cảm lấy lại từ dự án khách sạn SAS, nay đang có nguy cơ biến thành bãi trông giữ ô tô cho những người giàu chứ không phải là một khu vui chơi giải trí miễn phí cho thanh thiếu niên…
Sân chơi giữa Thành phố, trong thời buổi tấc đất tấc vàng quả không phải là dễ, nhất là với những cái nhìn vô cảm, hay sự ác độc của những kẻ vì tiền mà sẵn sàng cướp đi niềm vui con trẻ.
Nhưng, nếu mỗi người khi nhìn một mảnh đất dù lớn hay nhỏ, đừng chỉ nghĩ đến dự án, công trình mà hãy tưởng tượng nơi đó có một chiếc xích đu với những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của trẻ thơ; những chiếc ghế đá và các cụ già đang cười hồn hậu..., khi đó, việc làm sân chơi ở bất cứ nơi nào của Hà Nội chắc sẽ là điều chẳng mấy khó khăn.
Ý kiến bạn đọc