(VnMedia) - Sáng nay 26/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và cũng tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu đối với đời sống của người lao động.
Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ sự thông cảm và chia sẻ với sự búc xúc của một bộ phận người lao động trong thời gian qua liên quan đến quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 về việc thu hẹp đối tượng người hưởng bảo hiểm một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi “có phải tất cả người lao động muốn được hưởng bảo hiểm một lần đều thực sự khó khăn không và liệu số tiền hưởng bảo hiểm một lần có giải quyết được những khó khăn trước mắt của bản thân và gia đình họ hay không?”, và cho rằng, người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội để nhận bảo hiểm xã hội một lần là những người có số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa nhiều, phần lớn họ là những người ở khu vực nông thôn đến các khu công nghiệp, nhiều người trong số họ chỉ làm công việc ngắn hạn và thời vụ nên việc nhận thức còn hạn chế, do đó cần chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến luật bảo hiểm xã hội 2014 để người lao động nhận thức đầy đủ hơn vấn đề bảo lưu số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy vẫn ủng hộ quan điểm của Chính phủ là tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm một lần hoặc bảo lưu thời gian hưởng bảo hiểm của người lao động, nhưng không phải sửa Điều 60 Luật BHXH 2014. “ Về nguyên tắc, có sai thì mới sửa, mà trên thực tế, Điều này hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với luật pháp, mục tiêu của Đảng và xu hướng phát triển chung.” – đại biểu Thúy khẳng định, đồng thời đề nghị giải pháp tốt nhất là Quốc hội ra Nghị quyết cho phép người lao động sau một năm được quyền lựa chọn hưởng Bảo hiểm một lần hoặc là bảo lưu. Sau một thời gian cần có báo cáo tổng kết đánh giá rồi xem xét có cần bổ sung quy định này vào điều 60 hay không.”
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: người lao động phản ứng là vì họ bị tước bỏ quyền lựa chọn |
Phát biểu trước Quốc hội, khá nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận sáng nay, cũng không ít đại biểu đã đưa ra những lập luận hết sức thuyết phục để thấy rằng, người lao động muốn được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần không phải vì họ không hiểu, mà thực tế là vì đời sống của họ còn quá khó khăn và việc bảo lưu để hưởng lương hưu là điều không khả thi đối với một bộ phận người lao động.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng đây là trường hợp đáng tiếc, hiếm gặp trong xây dựng pháp luật. “Trước mắt, họ cần một khoản tiền để mưu sinh, cực chẳng đã mới phải chọn phương án hưởng một lần nên luật cần quy định mở. Tôi tán thành bổ sung quy định để người lao động được lựa chọn, theo nguyên tắc có đóng, hưởng, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống.” – đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khi góp ý cho Điều luật này đã chân thành chia sẻ: “Nếu có ghé chợ lề đường nhìn họ mua mớ rau, miếng đậu hũ, quả trứng sẽ hiểu vì sao người lao động lại đặt ra vấn đề hưởng BHXH một lần. Với nhiều người, một vài triệu là ít nhưng với những người lao động này, vài triệu là một tài sản mà họ phải lao động cật lực mới có được. Huống chi còn rất nhiều bất trắc trong thị trường lao động đến với họ và họ muốn có thể lựa chọn để hưởng 1 lần, dù đây là lựa chọn bất đắc dĩ". – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, việc nói đến cái lợi hay không “phải đặt trong hoàn cảnh của người lao động” và việc họ muốn có một sự an toàn là chính đáng và phải được pháp luật bảo vệ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) thì cho rằng, người lao động phản ứng là vì họ bị tước bỏ quyền lựa chọn, bởi khi cho chọn thì chưa chắc người lao động nào cũng chọn theo hướng hưởng một lần.
“Chúng ta không chấp nhận sự phản đối của những thiểu số mà nó là đối tượng của luật. Ví dụ, những người đánh bạc chống lại Luật cấm đánh bạc, người nghiện ma túy chống lại Luật cấm ma túy thì chúng ta không thể chấp nhận ý kiến phản ứng đó. Huống hồ đây là phản ứng của hàng trăm ngàn người của 5 tỉnh thành phía Nam, cách nhìn nhận đây là thiểu số và bỏ qua là không nên. Tôi ủng hộ Chính phủ đưa ra để Quốc hội xem xét, có thể sửa. Kể cả có hiệu lực rồi vẫn sửa, chưa có hiệu lực thì sao không sửa? Sửa thì có thể tính toán, nhưng phải bảo đảm quyền lựa chọn chính đáng, hợp pháp của công nhân. Phải làm sao để ngày càng có nhiều người chọn phương án bảo lưu, để thấy lợi ích nằm ở lâu dài.” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Phát biểu tại Nghị trường, đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá rất cao sự lắng nghe của Chính phủ đối với người lao động, lắng nghe đề xuất của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội cũng như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng không nên sửa ngay Điều luật mà phải xem xét thật kỹ những vấn đề của Điều luật này. “Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ, kiến nghị với Quốc hội nếu sửa thì sửa toàn diện. Do đó, chúng tôi kiến nghị với Quốc hội tại kỳ họp này Quốc hội nên ra một nghị quyết để cho người lao động có quyền chọn lựa được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu để thực hiện bảo hiểm xã hội như năm 2014 cho đến lúc nhận lương hưu nên để cho người lao động có quyền chọn lựa.” – ông Đặng Ngọc Tùng nói.
Ngoài ra, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt nam cũng đưa ra ví dụ về việc hai người lao động cùng tốt nghiệp như nhau, cùng làm việc như nhau, cùng đóng BHXH như nhau và sau 30 năm đóng BHXH thì người lao động làm việc trong khu vực quốc doanh lĩnh lương gấp 2 lần người làm ở khu vực ngoài nhà nước. “Đây là điều không thể chấp nhận được bởi đó là sự bất bình đằng.” – ông Đặng Ngọc Tùng nói.
Ý kiến bạn đọc