(VnMedia) - Theo đại biểu Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội), việc thành lập Bộ Kinh tế biển sẽ phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn Việt Nam, vì hiện nay ngành này đóng góp 50% GDP cả nước…
>> Trưng cầu ý dân phải tiến hành trên toàn quốc
>> Đưa tội phạm công nghệ cao vào Luật Hình sự?
>> Không công bằng khi bỏ án tử hình tội tham nhũng
>> Kết luận sai, cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm
>> Dỡ bỏ những khoản thu phí vô lý, không phù hợp
Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội)
Sáng 28/5 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đây là vấn đề được cử tri cả nước rất quan tâm.
Đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển
Trong phần thảo luận những vấn đề xung quanh dự thảo, Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phát biểu: Việt Nam có trên 3.200 km bờ biển, đặc biệt trong lòng biển chứa tiềm năng vô cùng to lớn về tài nguyên khoáng sản như dầu khí, hải sản và đa dạng sinh học. Đó là còn chưa kể đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chiếm hơn 1 triệu km2.
“Điều này cho thấy việc ban hành Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo vô cùng cần thiết, nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả tiềm năng của biển Việt Nam. Điều 4, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ: Nhà nước chịu trách nhiệm về quy hoạch tổng thể về biển và hải đảo… Vì vấn đề tầm quan trọng của quy hoạch biển và hải đảo tôi xin trân trọng đề nghị Chính phủ nên giao cho một đồng chí Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm làm vấn đề này”, đại biểu An nói.
Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, thời gian qua việc quản lý biển hải đảo bị chia cắt nhỏ, còn chồng chéo, việc quy hoạch và đánh giá tiềm năng chưa hiệu quả, do đó Chính phủ nên nghiên cứu cho thành lập một bộ kinh tế biển để làm sao khai thác quản lý một cách có hiệu quả nhất ngành lĩnh vực kinh tế này.
“Vì hiện giờ ngành kinh tế biển đã đóng góp cho đến khoảng 50% và theo dự báo là cỡ từ 54 đến 55% của GDP cả nước. Tôi cho rằng việc thành lập Bộ Kinh tế biển sẽ phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn Việt Nam”, đại biểu An nhấn mạnh.
Theo nữ đại biểu Hà Nội, vừa qua Bộ Giao thông vận tải đã làm được một số việc rất tốt cho vận tải biển như xây mới, cải tạo hoặc nạo vét một số các cảng biển, xây các vũng neo đậu, mặc dù chưa được như mong muốn nhưng đã có đóng góp nhiều cho giao thông. Tuy nhiên, có một vấn đề chưa được giải quyết đó là hệ thống đường sắt nối các cảng biển.
“Chính điều này đã hạn chế việc vận tải biển, hàng hóa từ đất liền đến biển và ngược lại cũng từ biển và khi khai thác được đến đất liền hoặc cung cấp cho các nơi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho sự quá tải của vận tải đường bộ, tạo ra sự tiêu cực. Tôi nghĩ nếu như chuyện này mà nghe thì không liên quan nhưng lại rất liên quan đến bộ luật này, cho nên tôi rất mong muốn đề nghị Chính phủ nghiên cứu cũng như Quốc hội dành một sự quan tâm thích đáng để có một kinh phí cho để tạo ra hệ thống đường sắt nối các cảng biển”, đại biểu An nói.
Cần có chính sách phát triển đối với Hoàng Sa - Trường Sa
Phát biểu tại nghị trường, Đại biểu Nguyễn Văn Vẻ (Đoàn Thái Bình) nêu quan điểm: "Biển đảo là nguồn tài nguyên phong phú và vô tận, ngàn đời nay ông, cha ta đã gìn giữ và phát triển. Đặc biệt là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nếu ai đã từng đi thăm đảo Trường Sa để có chung cảm nhận sâu sắc và thiêng liêng, hình ảnh những người chiến sĩ đảo kiên cường, dũng cảm hy sinh, đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc".
Theo đó, đại biểu Vẻ đề nghị cần có chính sách đặc biệt quan tâm đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
“Tôi cũng trân trọng đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách đặc biệt quan tâm đền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh và thành phố, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học tích cực tham gia nghiên cứu, đầu tư phát triển hai quần đảo này, vừa ý nghĩa phát triển kinh tế, vừa ý nghĩa bảo vệ an ninh, quốc phòng. Đồng thời tổ chức nhiều hơn nữa cho cán bộ, nhân dân, Quốc hội đi thăm Trường Sa, nhằm tăng cường hiểu biêt và trách nhiệm với Trường Sa để Trường Sa mãi mãi không xa đâu”, đại biểu Vẻ nói.
Cũng trong thảo luận tại Hội trường sáng nay, một số đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về sự tham gia của cộng đồng dân cư và tổ chức cá nhân trong quản lý tài nguyên, môi trường biển…
Dự kiến, ngày 25/6, Quốc hôi sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Ý kiến bạn đọc