Có thể từ chức nếu quá nửa số phiếu không tín nhiệm

13:49, 21/05/2015
|

(VnMedia) - Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đề xuất quy định, người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức.

>> Kiến nghị người lao động được hưởng BHXH một lần
>> Phải minh bạch thật sự trong thi tuyển công chức   


Ảnh minh họa
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm sáng 15/11/2014. Ảnh: TTXVN

  Sáng 21/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày tờ trình Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trên nửa số phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức

Theo dự luật, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn là một trong 7 hoạt động giám sát của Quốc hội (Điều 12).

Cụ thể, Điều 19, dự thảo quy định Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định.

Về bỏ phiếu tín nhiệm, Điều 20 dự thảo quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong 4 trường hợp: Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị; Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp trình Quốc hội; Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.

Dự thảo cũng quy định, người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm.

Người bị chất vấn phải trả lời công khai

Trong phần trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với Dự thảo Luật quy định về chất vấn theo hướng người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời các câu hỏi chất vấn ngay tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp Thường trực HĐND.

Ủy ban pháp luật tán thành với Dự thảo Luật quy định về chất vấn theo hướng người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời các câu hỏi chất vấn ngay tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân;

Đối với một số trường hợp mà chất vấn chưa thể trả lời trực tiếp ngay tại phiên họp thì Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cho trả lời bằng văn bản.

Đối với chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân thì căn cứ vào chương trình kỳ họp, Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định danh sách những người trả lời chất vấn, nội dung nhóm vấn đề chất vấn; đối với chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân thì căn cứ vào số lượng, nội dung chất vấn và chương trình phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định thời gian, danh sách người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn.

Theo ông Phan Trung Lý, quy định như vậy bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 80 của Hiến pháp và Điều 32 của Luật tổ chức Quốc hội là người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản. Đồng thời, bảo đảm quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và có thể được thực hiện vào bất cứ thời điểm nào, cả trong kỳ họp, ngoài kỳ họp và phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta là Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoạt động không thường xuyên.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, chất vấn là công cụ giám sát rất mạnh, tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhưng nó chỉ thực sự mạnh khi chất vấn được tiến hành trực tiếp và công khai.


Do đó, tất cả các chất vấn phải được trả lời trực tiếp trước Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội hay Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân. Việc lựa chọn nhóm vấn đề để đưa ra chất vấn trước Quốc hội khó bảo đảm sự khách quan, khó phản ánh hết ý chí của đại biểu và của cử tri.

Sau giám sát phải có ý kiến bằng văn bản

Ông Phan Trung Lý cũng cho biết, Ủy ban pháp luật cũng tán thành sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể hơn trong Dự thảo Luật về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát.

Theo đó, đối với mọi hoạt động giám sát, sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản (như nghị quyết, kết luận, báo cáo...), trong đó phải nêu rõ những mặt đã làm được, mặt chưa làm được, hạn chế của đối tượng chịu sự giám sát, các biện pháp, kiến nghị xử lý cụ thể. Đồng thời, chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về nghị quyết, kết luận, kiến nghị của mình.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề này tại khoản 1 Điều 8 và Điều 11 của Dự thảo Luật để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, bảo đảm để đối tượng chịu sự giám sát nghiêm túc và có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát.


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc