(VnMedia) - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế tuyển sinh của kỳ thi THPT Quốc gia 2015 có một chút thay đổi so với ban đầu để đảm bảo thí sinh đạt điểm cao sẽ không bị "trượt oan" do chọn sai nguyện vọng.
>> Tuyển sinh đại học: Những điểm đặc biệt lưu ý
>> 6 phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015
Quy chế tuyển sinh của kỳ thi THPT Quốc gia 2015 có một chút thay đổi so với ban đầu. (Ảnh minh họa) |
Quy chế tuyển sinh kỳ thi THPT Quốc gia 2015 công bố cuối tháng 2/2015 quy định: trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường, xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Nhưng Quy chế tuyển sinh THPT Quốc gia 2015 sửa đổi mới đây (tháng 4/2015) cho phép mỗi thí sinh đăng ký tối đa 4 nguyện vọng trong một lần xét tuyển và 4 nguyện vọng đó bình đẳng như nhau, không phân biệt.
Lý do của sự thay đổi này là từ đề xuất của các trường: Quyết định đỗ hay trượt phải dự vào năng lực của thí sinh dựa vào điểm chứ không thể dựa vào mức ưu tiên do thí sinh tự chọn.
Ví dụ, nếu hai thí sinh cùng thi vào trường Đại học Ngoại thương, với các nguyện vọng khác nhau trong cùng một đợt thì thí sinh nào có điểm cao hơn sẽ đỗ (trước kia có thể điểm cao sẽ trượt nếu không chọn nguyện vọng 1). Như vậy, các thí sinh đạt điểm cao sẽ không lo bị "trượt oan" do chọn sai nguyện vọng.
Với mỗi nguyện vọng, thí sinh cần chỉ rõ ngành đăng ký xét tuyển và tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển. Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Đối với xét tuyển các nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường và mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo. Dù là nguyện vọng nào thì nếu trúng tuyển sẽ không được tiếp tục đăng ký xét tuyển.
3 ngày công bố thông tin xét tuyển 1 lần
Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường. Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Để tạo điều kiện cho người tham gia ĐKXT, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học, cao đẳng cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT theo hình thức trực tuyến.
Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trong thời gian nhận hồ sơ của mỗi đợt xét tuyển, 3 ngày 1 lần các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp. Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích các trường công bố kết quả trúng tuyển tạm thời cập nhật đến ngày công bố.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc