Sẽ giảm số môn học bắt buộc cho học sinh

18:38, 23/04/2015
|

(VnMedia) - Chương trình giáo dục phổ thông sắp tới sẽ sẽ giảm số môn học và những kiến thức không cần thiết. Chương trình sẽ được xây dựng theo tinh thần "phân hóa kết hợp với tự chọn".

>> Phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa
>> Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm người viết sách giáo khoa

Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Vinh Hiển đã cho biết tinh thần trên xung quanh các hoạt động thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa

Chương trình giáo dục phổ thông sắp tới sẽ sẽ giảm số môn học và những kiến thức không cần thiết. (Ảnh minh họa)


Chương trình xây dựng theo tinh thần "phân hóa kết hợp với tự chọn"

Hiện Bộ GD&ĐT đã huy động đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu,... tham gia thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể; tổ chức các hội thảo xin ý kiến về chương trình GDPT tổng thể. Cho đến thời điểm này, chương trình GDPT tổng thể về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận, nhất chí cao. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện, để đưa ra thảo luận, xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội.

Bộ GD&ĐT cho biết, quy trình xây dựng chương trình, SGK lần này có khác biệt căn bản so với trước là tách rõ việc làm chương trình và viết SGK. Chương trình sẽ làm trước, căn cứ vào đó biên soạn SGK.

Dự kiến đến năm học 2018 - 2019 sẽ có 3 bộ sách của lớp 1, 6 và 10 đưa vào dạy học; sau đó tiếp tục làm cuốn chiếu để đến năm học 2022 - 2023, toàn bộ chương trình SGK mới được triển khai đại trà trên toàn quốc.
 
Nói rõ hơn về chương trình, SGK mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chương trình mới nhằm mục tiêu định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chương trình này sẽ phân hóa rõ giai đoạn cơ bản (tiểu học, THCS) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp (THPT). Trong đó, chương trình tiểu học được thiết kế với thời lượng 2 buổi/ngày; chương trình THCS và THPT thiết kế với thời lượng 1 buổi/ngày.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trước đây quan niệm 12 năm là xong phổ thông nhưng ở chương trình mới học sinh học hết lớp 9 là cơ bản xong, học sinh có thể vào đời. Thời gian thì ít đi, yêu cầu thì cao hơn nên thiết kế chương trình theo hướng tích hợp nhiều hơn, giảm số môn học bắt buộc. Những kiến thức có liên quan đến nhau được sắp xếp lại gần nhau, không bị dạy đi dạy lại. Khi xếp lại gần nhau thì việc dạy và học dễ liên hệ tới nhau nên khi vận dụng sẽ thuận lợi dễ hình thành năng lực hơn. Năng lực tổng hợp của học sinh sẽ sớm được hình thành hơn, kiến thức sớm được cung cấp đầy đủ hơn. 

Giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện ở bậc THPT bằng cách dạy phân hóa, dạy ít môn bắt buộc còn một ít môn tự chọn, thêm chuyên đề học tập cho các em học sinh tự chọn. Tuy nhiên sự phân hóa được thực hiện dần chứ không phải ngay từ lớp 10. Với việc dạy phân hóa thì cách tổ chức học THPT sẽ phức tạp và khó hơn. Chương trình thiết kế mở đáp ứng được làm sao được cao nhất nguyện vọng của học sinh, trong khả năng phù hợp của nhà trường.

Vẫn cân nhắc chọn Tổng chủ biên

Lãnh đạo ngành giáo dục cho biết, việc viết sách lần này sẽ có một tổng chủ biên kiểm soát toàn bộ việc biên soạn chương trình từ tổng thể đến các môn học. Bên cạnh đó, sẽ có tổng chủ biên theo chiều ngang (các môn học trong một lớp, cấp học) nhằm tránh việc xây dựng chương trình trùng lặp, quá tải. Tuy nhiên, ai sẽ là Tổng chủ biên? Thứ trưởng Hiển cho biết "vẫn đang cân nhắc" chọn người.

Hiện nay, Bộ đang tích cực xây dựng bộ tiêu chí chọn người viết chương trình, SGK và sẽ mời cả những người ngoài ngành giáo dục tham gia viết sách. Hiện nay, đã có Sở GD&ĐT TP.HCM đăng ký viết SGK.

Việc chọn người làm sách theo sẽ dựa trên 3 tiêu chí cơ bản" phải là người có phẩm chất tốt, giỏi về khoa học và năng lực sư phạm tốt và một số tiêu chí khác như năng lực tiếp thu, năng lực thực tiễn... 

Về tỷ lệ "giáo viên phổ thông" tham gia viết sách thì sẽ có, nhưng rất ít giáo viên phổ thông tham gia trong hội đồng thẩm định. Ngành giáo dục sẽ huy động chất xám của giáo viên phổ thông trong quá trình góp ý cho sách mới.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo 7 trường đại học Sư phạm trọng điểm tham gia đóng góp xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, chủ động tham gia nghiên cứu, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện (từ mục tiêu, chương trình, giáo trình, phương pháp đến cách thức kiểm tra đánh giá) nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình và SGK mới; tích cực phối hợp với các trường phổ thông chuẩn bị nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu năng lực (tài liệu, bài giảng của các chuyên gia, bài giảng mẫu...).

Ngoài đề án chương trình, SGK mới thì Bộ GD&ĐT sẽ có thêm hai đề án: Đề án về cơ sở vật chất; Đề án phát triển đội ngũ cán bộ nhà giáo.


Thuỳ Hoa

Ý kiến bạn đọc