(VnMedia) - Để thu hút các nhà đầu tư vào việc xây dựng các bến xe khách, Thủ tướng cho phép các địa phương, hỗ trợ tối thiểu 20% lãi suất vay các tổ chức tín dụng...
>> Bến xe Cần Thơ: Đụng đâu sai đó
>> Bến xe “tẩy chay” ô tô trong danh sách đen
>> Sẽ quét sạch "cò mồi" bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng, công bố và chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới bến xe khách trên địa bàn địa phương; chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác bến xe khách hoặc cân đối bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện; đảm bảo quy hoạch vị trí các bến xe khách ổn định với thời gian tối thiểu 10 năm.
Trường hợp bắt buộc phải di dời, nhà đầu tư sẽ được ưu tiên lựa chọn đầu tư xây dựng, khai thác bến xe khách mới trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được hưởng chế độ bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Thủ tướng cho phép các địa phương, căn cứ vào nguồn lực cho phép hỗ trợ tối thiểu 20% lãi suất vay các tổ chức tín dụng đối với dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng bến xe khách theo hình thức xã hội hóa.
Tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ, trường hợp không kêu gọi được xã hội hóa xây dựng bến xe khách, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản bắt buộc của bến xe khách, bao gồm: khu vực đỗ xe đón, trả khách, khu vệ sinh, phòng vé và phòng chờ cho hành khách, văn phòng làm việc, đường nội bộ, các trang thiết bị cơ bản để tổ chức hoạt động bến xe khách.
|
Bến xe khách Giáp Bát (Hà Nội). Ảnh: Vạn Xuân |
Miễn tiền thuê đất cho các bến xe tại các huyện nghèo
Về xã hội hóa khai thác bến xe khách, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, miễn tiền thuê đất đối với bến xe khách tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ được miễn tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích bến xe khách.
Đối với các bến xe khách không thuộc đối tượng quy định kể trên thì được miễn tiền thuê đất cho phần diện tích của các hạng mục công trình dịch vụ bắt buộc, bao gồm: khu vực đón, trả khách, bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách, phòng chờ cho hành khách, khu vực làm việc của bộ máy quản lý, khu vực bán vé, khu vệ sinh, đường xe ra, vào, đường nội bộ bên trong bến xe khách, đất dành cho cây xanh, vườn hoa...
Theo quyết định của Thủ tướng, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác bến xe khách theo hình thức xã hội hóa được hưởng ưu đãi phải đáp ứng 4 điều kiện:
Thứ nhất: Đảm bảo các điều kiện về đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành.
Thứ hai: Địa điểm đầu tư xây dựng bến xe khách đúng theo quy hoạch bến xe khách và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp thuận bằng văn bản.
Thứ ba: Hoạt động đầu tư tuân thủ theo giấy phép xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ tư: Nhà đầu tư tham gia đầu tư bến xe khách theo hình thức xã hội hóa phải đảm bảo: Vốn đầu tư xã hội hóa tối thiểu 70% tổng số vốn đầu tư xây dựng bến xe khách (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng); tối thiểu 15% vốn đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án và có kế hoạch bố trí đủ số vốn đầu tư còn lại.
Ý kiến bạn đọc