(VnMedia) - Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, hiện nay người dân đã và đang dần chấp nhận xã hội hóa, chấp nhận trả chi phí cao hơn cho chất lượng hạ tầng và dịch vụ tốt hơn.
>> Chính thức đề xuất "bán" Sân bay Phú Quốc
>> Huy động mọi nguồn lực xây sân bay Long Thành
Sáng nay (21/4), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 13 đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt và thực hiện nghiêm túc, tạo ra chuyển biến lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là xây dựng và hoàn thiện thể chế về phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Một số công trình giao thông quan trọng được đầu tư, nâng cấp và hoàn thành, bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm khác có quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm.
Các thành viên Chính phủ họp trực tuyến sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng sáng nay 21/4. |
Theo báo cáo, cùng với hạ tầng giao thông, nhiều dự án hạ tầng về năng lượng, thủy lợi, đô thị, thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ; hạ tầng xây dựng nông thôn mới đã được đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 13 không chỉ tạo nên bộ mặt mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng mà quan trọng hơn là nhận thức về vận dụng cơ chế thị trường trong huy động và sử dụng nguồn lực, qua đó đã huy động được nguồn vốn đáng kể từ doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
“Chưa một giai đoạn nào mà vốn xã hội, vốn tư nhân đưa vào nền kinh tế lớn như giai đoạn này. Nếu không xã hội hóa thì sẽ muôn đời dàn trải, muôn đời sức ép đè lên đầu tư công”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu và cho rằng người dân đã và đang dần chấp nhận xã hội hóa, chấp nhận trả chi phí cao hơn cho chất lượng hạ tầng và dịch vụ tốt hơn.
Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì cho rằng, thời gian tới không chỉ huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn cần mạnh dạn bán, cho thuê các công trình mà nhà nước đã đầu tư và đang quản lý. “Đây là hướng mở cho 5 năm tới. Chắc chắn để tư nhân khai thác và quản lý sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.
Người dân làm tốt thì để người dân làm
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết của Trung ương Đảng, trong điều kiện khó khăn khi đầu tư công bị cắt giảm mạnh, các cấp, các ngành đã quán triệt nghiêm túc và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết 13 đề ra, từ đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.
|
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Thủ tướng cho rằng, chính trong khó khăn đã mở ra hướng mới để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả đầu tư.
“Tổng đầu tư toàn xã hội năm vừa qua đạt khoảng 30-31% GDP, thấp hơn so với những năm trước nhưng tăng trưởng kinh tế lại cao hơn. Trước đây đầu tư công chiếm tới 70% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng giờ chỉ còn một nửa”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn chứng và khẳng định với chủ trương đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn, cũng như huy động nguồn lực xã hội nhiều hơn nữa để đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới.
Để làm tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đồng thời khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế, yếu kém, cản trở, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng.
“Chúng ta quản lý bằng quy hoạch, cái nào trái quy hoạch thì không cho, nhưng nếu quy hoạch trên trời thì không được, hoặc nếu quy hoạch không sát thực tế thì tính khả thi sẽ không cao. Tất cả các lĩnh vực liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng đều phải rà soát lại để làm sao làm quy hoạch cho sát, cho chất lượng”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tiếp tục huy động mạnh mẽ cũng như khuyến khích người dân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng. Cùng với đó, sẽ triển khai chính sách cho thuê, nhượng quyền quản lý khai thác hạ tầng hiện có mà Nhà nước đang quản lý nhằm tạo ra những nguồn tài chính mới để Nhà nước tiếp tục đầu tư; nâng cao chất lượng công trình và dịch vụ.
“Doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng chính là dân. Người dân làm tốt thì để cho người dân làm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng đề án về giải phóng mặt bằng; yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xây dựng Đề án về cho thuê và nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông; đồng thời lưu ý các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và đưa ra danh mục các dự án để kêu gọi và huy động vốn từ khu vực tư nhân, nước ngoài với mọi hình thức.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tính toán nguồn vốn đầu tư công từ 3 nguồn là ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ và ODA trong 5 năm tới để xây dựng kế hoạch trung hạn; đồng thời các bộ, ngành, địa phương phải tập trung quản lý hết sức chặt chẽ đầu tư công.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, rào cản về thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng, nhất là thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.
“Lựa chọn nhà đầu tư gì mà thủ tục mất 588 ngày. Như thế thì làm sao mà công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làm sao mà nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính chúng ta đặt ra và chúng ta phải sửa. Chúng ta phải quản lý nhưng cần phải cải cách cách thức quản lý, đảm bảo thông thoáng, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp” - Thủ tướng yêu cầu.
Với tinh thần trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, tiếp thu các ý kiến để dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần tập trung tháo gỡ mạnh mẽ tất cả những khó khăn, vướng mắc; giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành nhằm tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ về xây dựng kết cấu hạ tầng - một trong những khâu đột phá chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Ý kiến bạn đọc