Hồi ức sống về huyết mạch thông tin chống Mỹ

08:30, 20/04/2015
|

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ba Lê kể rằng, trong chiến khu, ngành thông tin liên lạc vừa yếu cả về phương tiện, tài chính, trình độ cán bộ. Thế nhưng, những cái khó ấy không làm họ mềm yếu mà chỉ thôi thúc thêm tinh thần đoàn kết, sáng tạo nhằm giữ vững liên lạc, phục vụ các chiến dịch.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh gian khổ, các thành viên Ban Thông tin liên lạc (Trung ương Cục miền Nam) luôn đảm bảo mạch máu thông tin thông suốt phục vụ chiến dịch.

Ngày “ém” máy xuống sông, đêm đem lên phát tín hiệu
 
Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối tháng Tư lịch sử, xen lẫn với dòng người xuôi ngược tấp nập là sự hối hả của những người đang chuẩn bị cho buổi kỷ niệm ngày giải phóng.
 
Trong căn nhà nhỏ nằm ở Phường 2, quận Tân Bình, ông Ba Lê (Lê Ngọc Trác) lựa lời chối khéo khi được hỏi về mình. Trong tâm khảm của người chiến sĩ trên mặt trận thông tin liên lạc khi xưa, thắng lợi này là của đồng đội - những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, xương máu để giữ mạch máu thông tin cho đất nước.
 
Tháng 10 năm 1961, sau hội nghị cán bộ thành lập Trung ương Cục Miền Nam, Trung ương cục quyết định dời căn cứ từ Mã Đà (chiến khu Đ) trở lại Tân Biên (Tây Ninh). Ban Thông tin liên lạc Trung ương cục (Ban Thông tin R) được thành lập.
 
Ban Thông tin R có nhiệm vụ tổ chức cụm đài thông tin phục vụ Trung ương cục, chỉ đạo xây dựng mạng lưới thông tin toàn miền Nam, đào tạo cán bộ nghiệp vụ, cung cấp trang thiết bị, thông tin cho các chiến trường…
 
Nhấp ngụm trà, ông Ba Lê kể rằng trong chiến khu, ngành thông tin liên lạc vừa thiếu, vừa yếu cả về phương tiện, tài chính, trình độ cán bộ. Thế nhưng, những cái khó ấy không làm họ mềm yếu mà chỉ thôi thúc thêm tinh thần đoàn kết, sáng tạo nhằm giữ vững liên lạc, phục vụ các chiến dịch.
 
Theo lời ông Ba Lê, đa phần máy thu tín hiệu ngày đó cực kỳ lạc hậu bởi có từ thời Pháp. Để giữ thông tin, người cán bộ thông tin phải mua sắm linh kiện tận Campuchia hoặc… lấy của địch về lắp ráp. Trong những cuộc càn quét của địch, nhiều nơi đã phải bọc kỹ rồi “ém” máy xuống sông, trong hầm, trong đống rơm… rồi đêm lại mang lên làm việc. Khi giăng antene, họ cũng phải chọn những tán cây lớn để tránh sự nhòm ngó của máy bay trinh sát…
 
“Tại chiến khu, người làm thông tin liên lạc phải cố gắng hết sức để trực 24/24 để bảo đảm thông tin. Có một số giờ đứt liên lạc là Trung ương đứng ngồi không yên,” ông Ba Lê kể.
 
Trong hồi ký đăng trên cuốn “Lịch sử- truyền thống 30 năm Thông tin Vô tuyến điện Nam Bộ,” ông Bùi Nê (tức Bảy Nê-Ủy viên Ban thông tin R) kể rằng, sau hiệp định Genève 1954, ông cùng anh em ở lại miền Nam chờ phân công tác.
 
Khi đó, tổ đài do ông phụ trách phải đào 3 hầm: Một hầm để anten, một hầm để máy phát điện và một hầm máy làm việc. Hàng ngày, anh em nghề đốn củi bán cho sở cao su để nghi trang. Tại đây, ông Hai Nhựt có sáng kiến cải tiến máy phát điện bằng cách làm cái yên giống yên xe đạp cho một người leo lên ngồi đạp thay cho hai người quay tay.
 
Ngoài ra, họ dùng hai sợi cước ny long và hai ống nhựa luồn dây ăngten vào (tránh ăngten tiếp đất chạm mát điện) đưa xuống đất. Hai đầu ăng ten cột một sợi nilon và hai đầu sứ cách điện treo lên trên ngọn cây cột lại. Nếu có sự cố, ở dưới hầm buông dây lập tức antene được kéo căng lên ở trên ngọn cây để phi tang…
 
Sau này, cụm đài của ông Bảy Nê nhập cùng cụm đài của ông Sáu Đại để thành cụm Thông tin B8 và là tiền thân của Ban thông tin R.

  Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Thành Danh, nguyên Trưởng Ban Thông tin liên lạc hướng dẫn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thăm quan Nhà truyền thống khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại ấp Chàng Riệc, Xa Mát, Tây Ninh. (Nguồn: VNPT TP. HCM) 

Vỡ òa trong niềm vui đại thắng…
 
Chiến tranh nào chẳng mất mát, đau thương. Trong ký ức của mình, ông Ba Lê không sao quên được những trận chiến một sống hai chết với kẻ thù.
 
Năm 1966, sau khi Mỹ mở rộng chiến tranh cục bộ, địch thả biệt kích xuống để tiêu diệt căn cứ địa của ta. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, nhiều đồng chí làm công tác thông tin liên lạc đã ngã xuống anh dũng sau khi tiêu diệt được nhiều kẻ thù.
 
Rồi trận càn năm 1970, địch đánh 52 lượt bằng máy bay B52 và ở dưới đất, xe tăng, bộ binh liên tục càn quét nhưng cũng không khuất phục được tinh thần thép của ta, bằng mọi giá vượt qua vòng vây để phục vụ yêu cầu thông tin của cơ quan Trung ương Cục miền Nam.
 
Ông Nguyễn Thanh Vân (Ban Thông tin liên lạc phân khu 5) đã kể rất chi tiết trong hồi ký của mình về trận càn của quân Mỹ vào ngày 9/5/1968. Khi ấy, một đại đội lính Mỹ thuộc sư đoàn số 1 “Anh cả Đỏ” đóng ở căn cứ quân sự Phước Vĩnh (Bình Dương) càn quét.  Không biết bao nhiêu bom đạn trút xuống trận địa còn đơn vị của ta chỉ có chưa đầy 20 người. Và dù trong tay chỉ có một số tiểu liên và súng trường, nhưng ta đã đánh lui bốn đợt tấn công của lính Mỹ, diệt và làm bị thương nhiều địch, bảo vệ được máy móc, tài liệu và vẫn giữ được mạch máu thông tin...
 
“Dù phương tiện thô sơ nhưng chúng tôi ai cũng tự tin, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đài, bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc,” ánh mắt ông Ba Lê sáng ngời khi nói đến tinh thần đồng đội.
 
Kể về thời khắc chính quyền Sài Gòn thất thủ, ông Ba Lê bảo không có niềm vui nào sánh bằng, cho dù trước đó các dự báo đều cho thấy ta sẽ thắng địch nhưng thời khắc thiêng liêng ấy chỉ có một.
 
Biết Sài Gòn rợp cờ hoa đón đại quân vào tiếp quản, nhưng do nhiệm vụ, ngày 7/5/1975 ông mới về Sài Gòn. Và mười ba năm kể từ khi thoát ly theo kháng chiến, ông Ba Lê khi ấy mới được về quê nhà thăm những người ruột thịt. Và, ông đã chọn ngày 2/9/1975 để làm đám cưới…
 
Rời nhà ông Ba Lê khi mặt trời lên giữa đỉnh đầu, tôi càng thấy khâm phục ý chí quyết tâm của những người con cách mạng. Một điều chắc chắn rằng, cho dù ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào thì thông tin liên lạc cũng có một vai trò vô cùng quan trọng. Với tôi, những người đã kinh qua chiến tranh, góp phần làm nên đại thắng 30/4 xứng đáng là những anh hùng.


(theo VIetnam+)

Ý kiến bạn đọc