(VnMedia) - UBND TP Hà Nội vừa giao chỉ tiêu thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe môtô trên địa bàn các quận, huyện trong năm 2015.
>> Hộ nghèo ở Thủ đô được miễn “thuế đường” xe máy
>> Xe dừng chạy từ 30 ngày được hoàn "thuế đường"
>> Tăng thu "thuế đường" với xe máy
>> "Thuế đường" qua Pháp Vân - Cầu Giẽ cao nhất 180.000 đồng/xe
Cụ thể, quận Đống Đa là hơn 20 tỷ đồng; Hai Bà Trưng gần 18 tỷ đồng; huyện Đông Anh gần 15 tỷ đồng; huyện Thanh Trì hơn 12 tỷ đồng…
Với mức thu đối với xe dưới 100cm3 là 50.000 đồng/năm, xe trên 100cm3 là 100.000 đồng/năm, UBND thành phố Hà Nội dự tính trong năm 2015 sẽ thu được hơn 286 tỷ đồng “thuế đường” của các xe máy.
Theo quy định của thành phố, các tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý xe mô tô thuộc đối tượng chịu phí là người nộp phí. Riêng xe mô tô của các lực lượng công an, quốc phòng, xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo do UBND thành phố quy định thì được miễn phí.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa giao chỉ tiêu thu "thuế đường" đối với xe máy cho các quận, huyện trên địa bàn thành phố. |
Để thực hiện công việc trên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải và Quỹ bảo trì đường bộ Hà Nội đôn đốc các địa phương tổ chức thu phí, quản lý, sử dụng nguồn thu phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổng hợp số liệu thu phí theo tháng và cả năm trên địa bàn các xã, phường, thị trấn theo địa bàn quản lý gửi Quỹ bảo trì đường bộ Hà Nội, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải.
Cả nước sẽ thu được 8.500 tỷ đồng "thuế đường" trong năm 2015
Theo báo cáo của Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, kết thúc năm 2014, số dư tại quỹ trong năm 2014 còn gần 700 tỷ đồng. Số dư này sẽ được kết chuyển sang năm 2015.
Cụ thể là, trong năm 2014, tổng thu tài khoản tại kho bạc nhà nước là 8.059,897 tỷ đồng, trong đó có 660, 865 tỷ đồng của năm 2013. Theo tỷ lệ phân bổ của Quỹ, nguồn quỹ Trung ương là 6.019,587 tỷ đồng, quỹ địa phương là 2.040,309 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2014, Quỹ Bảo trì đường bộ đã chi 6.419,176 tỷ đồng, bao gồm các hoạt động, như: Chi Bảo trì đường bộ năm 2014, 4.350,002 tỷ đồng; Mua lại quyền thu phí trạm Bãi Cháy, Hoàng Mai, 190,615 tỷ đồng; Trả nợ dự án SC, khôi phục Quốc lộ 5, 182,970 tỷ đồng... Như vậy, số dư hiện tại trong quỹ còn khoảng gần 700 tỷ đồng. Số dư này sẽ được chuyển sang cho năm 2015.
Trong năm 2014, Quỹ Trung ương đã thành lập các Đoàn công tác để làm việc với các quỹ bảo trì đường bộ địa phương và các sở giao thông vận tải để kiểm tra tình hình sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Trung ương năm 2013 và 2014 dành cho công tác bảo trì các quốc lộ ủy thác và hệ thống đường bộ địa phương.
Qua thực tế kiểm tra và báo cáo của các cơ quan, đơn vị cho thấy đã thực hiện việc quản lý sử dụng kinh phí từ Quỹ Trung ương đúng mục đích, các dự án sửa chữa, bảo trì đường bộ cơ bản được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, công tác bảo trì và giải ngân đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy hiệu quả nguồn vốn bảo trì đường bộ.
Đối với hoạt động tại các địa phương, tính đến hết năm 2014, đã 63 Quỹ bảo trì đường bộ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức, bộ máy, kinh phí hoạt động cũng như biên chế của các này vẫn chưa thống nhất trong triển khai hoạt động dẫn đến thất thoát kinh phí của Quỹ.
Theo báo cáo của các quỹ bảo trì đường bộ địa phương, tính đến hết ngày 31/12/2014, đã có 61/63 địa phương ban hành mức thu phí xe máy (trong đó, 56/60 địa phương đang triển khai thực hiện thu để hòa vào nguồn Quỹ ĐP theo quy định). Các địa phương còn lại đang xây dựng phương án thu và mức thu trình Hội đồng nhân dân xem xét, triển khai. Một số địa phương hoãn thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện mô tô - xe máy năm 2014 (bắt đầu thu từ năm 2015).
Theo dự kiến, trong năm 2015, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương sẽ đạt khoảng gần 8.500 tỷ đồng, trong đó thu phí sử dụng đường bộ từ xe ô tô khoảng 4.645 tỷ đồng, còn lại là ngân sách nhà nước cấp bổ sung và nguồn dư cả năm 2014 chuyển sang.
Ý kiến bạn đọc