Chuyện về những ngư dân kiên cường ở Lý Sơn

19:17, 22/04/2015
|

(VnMedia) - Người hai lần, người ba - bốn lần bị tàu cá Trung Quốc tấn công, bị cướp hết ngư lưới cụ, bị thương nguy hiểm đến tính mạng... nhưng những ngư dân Lý Sơn vẫn kiên cường bám biển.

>> Cảnh thanh bình ở huyện đảo Lý Sơn
 
Từ bao đời nay, người dân Lý Sơn đã có mặt trên những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam như Trường Sa, Hoàng Sa. Ngày nay, sự kiên cường bám biển của ngư dân Lý Sơn trên những vùng biển đó đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ đất liền và trên biển.
 
Thuyền trưởng Lê Tân năm nay 60 tuổi. Ông nổi tiếng là một trong những thuyền trường kỳ cựu và kiên cường. Đi biển từ khi mới chưa đầy 20 tuổi, ông Tân đã từng bị tàu Trung Quốc tấn công, bị bắt, tịch thu tàu, cướp cá, thậm chí bị chúng đánh đập gây thương tích nhiều lần. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không làm ông nhụt chí.
 
Lần đầu tiên ông Lê Tân bị bắt là khoảng tháng 7 năm 2006. Khi đó, ông đang cùng các thuyền viên đánh bắt cá tại khu vực gần đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) thì bị một chiếc tàu lớn của Trung Quốc đuổi theo. Những người mặc đồ rằn ri có trang bị súng máy đã nhảy lên tàu, dùng súng uy hiếp và yêu cầu mọi người chạy về phía con tàu lớn của chúng đang neo ở đằng xa.
 
Thuyền trưởng Lê Tân và các thủy thủ trên tàu bị nhốt vào một chỗ, bỏ đói cả ngày. Sau khi lục soát toàn bộ tàu, chúng bắt tất cả lăn tay vào một số giấy tờ có chữ Trung Quốc, ai phản ứng sẽ bị đánh đập dã man rồi mới thả cho về.
 
Trở về với hai bàn tay trắng và những vết thương, nhưng khi bình phục, ông Tân lại tìm cách trở lại biển khơi. Ông mua chịu một con tàu cũ, tiền trả tàu sẽ được trừ dần bằng cá, rồi vay mượn tiền sửa sang lại con tàu, đến đầu năm 2007 lại tiếp tục ra khơi, đánh bắt cá trên ngư trường Hoàng Sa.
 
Nhưng ngay lần đầu tiên trở lại với biển khơi, ông lại bị tàu Trung Quốc bắt lần nữa, bị lấy hết dầu, hết ngư lưới cụ. Tuy nhiên, với bản lĩnh kiên cường, không muốn chiếc tàu mới lần đầu tiên ra biển đã phải trở về tay không, thuyền trưởng Lê Tân quyết định gặp những tàu cá khác để vay từng can dầu, rồi ở lại đánh bắt cá tiếp.
 
Nhưng rồi, một lần nữa, ông lại bị một nhóm người trang bị vũ trang bắt. Chúng cướp hết cá trên tàu, lấy hết cả máy dò, định vị, ngay cả bình ga, nồi nấu cơm chúng cũng lấy hết, không để lại cái gì.
 
Bị bắt hai lần trong một chuyến đi biển quả là quá kinh khủng với một người ngư dân. Vừa đau đớn về thể xác, vừa thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ấy thế mà, con người kiên cường ấy vẫn không rời nhiệm vụ.
 
Trong một lần đi biển hồi cuối năm 2010, tàu của ông Lê Tân đang đánh bắt cá gần khu vực đảo Phú Lâm lại bị bắt cùng với nhiều tàu cá khác, và lại bị nhóm người Trung Quốc cướp hết ngư lưới cụ. Cả đoàn mấy chiếc tàu, cuối cùng chỉ được thả về trên một con tàu nhỏ của ông Tân.
 
Ngoài những lần bị bắt, bị đánh đập thì những lần tàu của ông Tân bị tàu Trung Quốc tấn công, xua đuổi cũng không ít. Vậy nhưng, khi được hỏi “đi biển bị bắt nhiều như vậy có sợ không?”, ông Tân thản nhiên bảo: “Chúng tôi phải tiếp tục đi chứ, đi để đánh bắt cá kiếm sống nuôi gia đình, đi để giữ biển cha ông. Chúng thu tàu thì tôi và anh em gom tiền đóng tàu khác, chúng thu thiết bị chúng tôi lại góp tiền mua cái khác”.
 
Cũng như ông Tân, ông Bùi Cử, năm nay 65 tuổi, là một ngư dân đã trải qua mấy chục năm đi biển. Những năm gần đây, tàu cá của ông nhiều lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công khi đang đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, một ngư trường truyền thống.

  Ảnh minh họa

Nhớ biển, nhớ những chuyến đi đầy sóng gió, nguy hiểm nhưng đáng tự hào, ông Cử thỉnh thoảng ra ngồi trên con thuyền ngóng ra biển khơi


Gặp phóng viên khi đang ngồi trên một con tàu nhỏ ở biển Lý Sơn, ông Cử nhớ lại: “Trước đây tôi có tàu riêng, rất nhiều lần bị tàu cá của Trung Quốc xua đuổi ra khỏi ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Tàu của tôi bị phá hủy nhiều lần, bị lấy hết ngư lưới cụ, bị chặt vào dây neo… Lần bị thiệt hại nhiều nhất tôi mất khoảng 200 triệu. Tôi bị nó bắt hai lần rồi lại thả ra. Còn việc tàu của nó chèn ép thì không biết bao nhiêu lần mà kể.”
 
Cũng như thuyền trưởng Lê Tân, ông Bùi Cử bình thản nói: “Chúng tôi không sợ, vẫn cố bám biển, vẫn đánh cá. Khi nó đuổi thì chạy, nó không đuổi thì quay lại đánh cá tiếp. Tại sao lại phải sợ? Đó là biển của mình cơ mà?”
 
Bây giờ, ông Cử vì lớn tuổi nên đã nghỉ không đi biển nữa. Nhớ biển, nhớ những chuyến đi đầy sóng gió, nguy hiểm nhưng đáng tự hào,  thỉnh thoảng ông lại ra ngồi trên con thuyền nhỏ nhìn ra khơi. Ông tâm sự: “Không nhớ sao được. Đó là nghề của mình, biển của mình. Mình yêu nghề, yêu biển lắm chứ”
 
Nối nghiệp cha, con trai ông là Bùi Trải, năm nay 44 tuổi, đang làm thuyền viên trên tàu Dương Thuấn, chuyên đi đánh cá ở Hoàng Sa. Với kinh nghiệm bản thân từng vượt qua nhiều nguy hiểm, ông thường động viên con: “Đó là biển của mình, ông cha mình bao đời đã đánh cá ở đó. Mình có xâm phạm của ai đâu mà sợ!”
 
Trong chuyến đi thực tế ở đảo Lý Sơn giữa tháng 4 này, đoàn công tác Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và các nhà báo cũng trực tiếp chứng kiến nỗi đau đớn mà ông Phạm Quốc Dũng, sinh năm 1972, ở thôn Đông, Xã An Hải đã phải chịu đựng khi bị tàu lạ đâm va.
 
Vào đêm 16/4, khi ông đang cùng các thuyền viên khác trên tàu QNG 96011 TS đánh bắt cá thì bỗng bị một tàu lạ đâm mạnh. Cú đâm va khiến tàu của ông bị thủng và suýt bị chìm. Trong khi nhiều thuyền viên bị thương nhẹ, xây xát thì ông Dũng bị thương rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

  Ảnh minh họa

Ngư dân Phạm Quốc Dũng bị thương nặng do tàu lạ đâm va khi đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, vẫn muốn được trở lại biển khơi


Ngay lập tức, thuyền trưởng tàu QNG 96011 TS quyết định trở vào bờ để cấp cứu cho ông Dũng. Sau hai ngày hai đêm, ông Dũng được đưa vào đất liền trong tình trạng rất yếu, được chẩn đoán là dập bàng quang, có nguy cơ vỡ thận.
 
Đây cũng là lần thứ 2 ông Dũng bị tàu lạ tấn công khi đang tham gia đánh bắt cá trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ấy vậy mà, ngay khi đang nằm trên cáng cứu thương, ông Dũng vẫn bình thản cho biết, ông không sợ phải quay trở lại biển dù có nhiều nguy hiểm.
 
Rồi khi vừa thoát cơn hiểm nghèo sau khi bị cắt đi một một đoạn ruột, trao đổi qua điện thoại, ông Dũng vẫn rất mạnh mẽ. Ông bảo, sau này nếu sức khỏe cho phép, ông sẽ vẫn trở lại biển khơi, trở lại ngư trường truyền thống, nơi mà bao thế hệ cha ông ở Lý Sơn đã kiên cường bám trụ, làm ăn và giữ gìn chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc.
 
Những ngư dân kiên cường đó của Lý Sơn đã dũng cảm, kiên trì bám biển không chỉ để làm kinh tế, mà còn bởi tình yêu không bao giờ tắt đối với biển đảo Tổ quốc. Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi vẫn là biển đảo của Việt Nam là nhờ những con người như thế.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc