(VnMedia) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước công dân.
Theo đó, Kế hoạch nhằm xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Luật Căn cước công dân, bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức tốt việc phổ biến Luật Căn cước công dân đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về công dân phục vụ cho việc quản lý dân cư, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội và giao dịch của công dân; kiện toàn tổ chức, biên chế bảo đảm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về căn cước công dân trong phạm vi cả nước.
Theo Kế hoạch, sẽ thực hiện 4 nội dụng: Phổ biến pháp luật về căn cước công dân; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Luật Căn cước công dân; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý căn cước công dân.
|
Mặt trước thẻ căn cước công dân |
Chấn chỉnh tác phong làm việc
Trong Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công an phải kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu chấn chỉnh tác phong làm việc, tiếp dân, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ có thái độ, lời nói, cử chỉ thiếu nghiêm túc hoặc sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; cải tiến phương pháp làm việc, bảo đảm đơn giản, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục; giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân thuộc quyền quản lý có thái độ, lời nói, cử chỉ thiếu nghiêm túc hoặc sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Luật Căn cước công dân quy định về căn cước công dân và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ về căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến căn cước công dân; bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân. Luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13
Theo Luật Căn cước công dân, từ ngày 1/1/2016, trẻ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân, thay cho nhiều đề xuất cấp ngay từ khi trẻ sinh ra để thay thế giấy khai sinh.
Thẻ được bổ sung ngôn ngữ tiếng Anh, gồm thông tin như: ảnh, số thẻ, họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn. Mặt sau có thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy.
Thẻ căn cước công dân có thể được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu. Thẻ phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Ý kiến bạn đọc