Tranh cãi quanh việc chặt hạ 6.700 cây xanh

12:38, 19/03/2015
|

(VnMedia) Những ngày gần đây, việc Hà Nội đồng loạt chặt hạ những hàng cây xanh lâu năm trên các tuyến phố để thay thế bằng cách trồng mới những loại cây khác đã thu hút sự chú ý của người dân. Sự việc gây ra tranh luận sôi nổi.

>>
Hà Nội đồng loạt chặt hạ cây xanh để trồng mới
>> Hội đồng nhân dân chỉ đồng ý chủ trương thay thế cây xanh
>> Thay thế 6.700 cây: Hà Nội nói “hầu hết” nhân dân ủng hộ!
 
Theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố được UBND thành phố Hà Nội thông qua, trên 190 tuyến phố tại 10 quận nội thành Hà Nội sẽ có khoảng 6.700 cây xanh được trồng cách đây hàng chục năm bị chặt hạ.
 
Hiện theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về công tác xã hội hóa thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã thực hiện xã hội hóa việc thay thế cây xanh trên phố Huế và Hàng Bài bằng việc chặt hạ 115 cây, dịch chuyển 12 cây, trồng 117/125 cây thay thế. Cấp phép cho UBND quận Thanh Xuân xã hội hóa cây xanh trên tuyến đường Khuất Duy Tiến bằng việc chặt hạ 64 cây, dịch chuyển 20 cây, trồng 95 cây thay thế.

Theo kế hoạch, đến hết quý I/2015, Hà Nội sẽ còn chặt hạ cây trên hàng chục tuyến phố khác để trồng mới và thay thế.
 
Sốt ruột trước việc đang xảy ra, cách đây 2 ngày, ông Trần Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đã viết một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo. Trong thư, ông Tuấn kiến nghị lãnh đạo thành phố nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian, công khai minh bạch về 6700 cây đó để người dân tham gia giám sát.
 
Ông Tuấn cũng đề nghị Chủ tịch Thành phố “hãy lắng nghe các nhà khoa học và người dân” xem nên giữ lại hay bỏ những cây gì; việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt…, đồng thời công khai về cả ngân sách trong việc chặt bỏ, trồng mới cây…
 
Tuy nhiên, chiều 17/3, trao đổi với phóng viên, ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc gì cần phải hỏi ý kiến người dân thì đã có pháp luật quy định. Những gì cần hỏi ý kiến người dân thì sẽ thông qua đại biểu của dân là Hội đồng nhân dân (HĐND). “Chuyện lớn như thế này (chuyện thay thế 6.700 cây - PV), tôi nghĩ là UBND chắc chắn đã phải báo cáo HĐND.”

  Ảnh minh họa

  Nhiều tuyến phố của Hà Nội bỗng nhiên trơ chụi sau khi hàng cây lâu năm bị chặt hạ, đào bỏ gốc để chuẩn bị trồng mới.

Đáng chú ý, sau bức thư của ông Trần Đăng Tuấn gửi lãnh đạo UBNDTP Hà Nội, chiều ngày hôm qua (18/3), người phát ngôn – Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành cho biết, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.
 
Đồng thời, ông Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.
 
Bạn đọc lo ngại cây mới trồng cũng sẽ bị chặt hạ
 
Trước thông tin thành phố chặt hạ 6.700 cây xanh để trồng mới và thay thế, nhiều bạn đọc của VnMedia đã lên tiếng không đồng tình.
 
Bình luận về việc trên, bạn đọc Nuidoi cho rằng “Việc làm này là có tính toán nhằm đồng hóa cây xanh Hà Nội thành những phố của cây Vàng Tâm? Chắc mấy ông đi nước ngoài học tập nên về áp dụng một cách khuôn mẫu theo kiểu tư duy lúa nước”.
 
Theo bạn đọc này, làm sao mà người dân Hà nội có thể đồng tình khi mà không bàn với dân. "Đến mùa hè nóng bỏng không còn cây xanh thì lúc đó mấy ông ấy sẽ nghe nhiều điều từ người dân!", bạn đọc Nuidoi viết.

Trước thông tin đại diện UBND TP. Hà Nội cho rằng, người dân đồng tình với việc chặt cây, bạn đọc Bất Bình thì đặt câu hỏi: “Mình có một thắc mắc nhỏ là không biết các nhà chức trách đi khảo sát những ai, bao giờ mà "hầu hết được nhân dân ủng hộ?".
 
Còn bạn đọc tên Hoa cho rằng, việc HĐND TP Hà Nội nói "đồng ý chủ trương thay cây xanh” là chỉ đồng ý về mặt chủ trương còn cụ thể vẫn phải lắng nghe người dân!
 
“Liệu rằng những cây mới trồng sau này có bị chặt tiếp không? Nếu cứ không hợp thì chặt, sinh ra quản lý đẻ làm gì?”, bạn đọc Dinhtayto băn khoăn.

Còn bạn, bạn có đồng ý hay có ý kiến, kiến nghị đề xuất như thế nào về vấn đề này, hãy cũng chia sẻ quan điểm của mình về toasoan@vnmedia.vn .

Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc