(VnMedia) - Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) vừa phê bình Tổng thầu Trung Quốc và nhà thầu phụ thi công không đảm bảo chất lượng và an toàn tại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh- Hà Đông.
>> Tổng thầu Trung Quốc bị Bộ Giao thông cảnh cáo
>> Nguyên nhân sập giàn giáo đường sắt Cát Linh–Hà Đông
>> Vụ sập giàn giáo: Đình chỉ công tác hàng loạt cá nhân
>> Sập giàn giáo tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
>> Thứ trưởng Bộ Giao thông: "Sự cố đã xảy ra một số lần"
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt, ngày 4/3 vừa qua, qua kiểm tra đột xuất tại công trường xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cho thấy, Tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) và nhà thầu phụ thi công vẫn để xảy ra một số tồn tại.
Cụ thể, tại ga Cát Linh, cán bộ thí nghiệm không đội mũ bảo hiểm trong giờ làm việc; nhà thầu phụ tự ý cẩu lắp xếp tải trọng thí nghiệm nén tĩnh vị trí cọc khi đề cương thử tải chưa được phê duyệt, gây mất an toàn lao động, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu phụ khác.
Tại công trường đoạn trụ CR9-CR24 đang chuẩn bị đổ bê tông cọc khoan nhồi trụ CR11, Tổng thầu EPC không thông báo cho cán bộ tư vấn giám sát vật liệu để giám sát theo quy định; đoạn trụ CR12-CR18 vào ban đêm không bật đèn cảnh báo trên hàng rào.
Tại vị trí trụ CR30, nhà thầu phụ thực hiện công tác lắp dựng cốt thép thân trụ mà không có chống đỡ nên toàn bộ cốt thép thân trụ bị nghiêng ra ngoài hàng rào, gây mất an toàn.
Hiện trường vụ sập giàn giáo dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sáng ngày 28/12. |
Điều đáng nói là trước đó, do thi công thiếu an toàn cho nên tại công trường thi công tuyến đường sắt đô thị trên cao này đã liên tiếp xảy ra tai nạn cho người tham gia giao thông. Mới đây nhất, vào khoảng 4 giờ sáng ngày 28/12, tại ga bến xe Hà Đông, khi công nhân đang đổ bê tông xà mũ trụ H7 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) thì bất ngờ giàn giáo đổ sập.
Đáng chú ý thời điểm xảy ra tai nạn, một chiếc taxi chở theo 4 người khi lưu thông qua gầm gàn giáo công trình đã bị đè bẹp. May mắn cả 4 người đều được cứu hộ kịp thời và thoát nạn.
Trước tình trạng trên, để chấn chỉnh công tác thi công, Ban Quản lý dư án Đường sắt đã phê bình Tổng thầu EPC, nhà thầu phụ; yêu cầu các đơn vị trên chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc công tác thi công đảm bảo chất lượng và an toàn giao thông, an toàn lao động.
Đối với tư vấn giám sát dự án, Ban Quản lý dự án Đường sắt đề nghị đôn đốc, giám sát chặt chẽ Tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ thực hiện thi công đúng thiết kế, Kiên quyết đình chỉ thi công đối với các đơn vị không thực hiện đúng biện pháp an toàn giao thông, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường trong phạm vi thi công theo đúng Chỉ thị của Bộ Giao thông Vận tải.
Như vậy đây là lần thứ hai, Tổng thầu Trung Quốc bị phê bình do thi công thiếu an toàn trong việc xây dựng Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Trước đó, sau vụ tai nạn xảy ra ngày 28/12 tại ga Bến xe Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có công văn cảnh cáo Tổng thầu Trung Quốc và yêu cầu đơn vị này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ các sự cố nêu trên.
Rà soát lại năng lực của các nhà thầu phụ
Liên quan đến dự án này, tại cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ vào ngày 5/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường chỉ rõ, Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông tiến độ chậm đến nay đã rất rõ nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là trách nhiệm cũng như sự phối kết hợp của các bên liên quan là chưa cao…
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị Tổng thầu EPC phải rà soát lại tất cả các điều khoản trong hợp đồng với Ban QLDA Đường sắt, đưa ra quy trình phối hợp trong quá trình làm việc để quy định rõ việc nào là trách nhiệm quyền hạn của Tổng thầu.
“Tổng thầu EPC phải hoàn thiện thiết kế kỹ thuật cũng như dự toán gửi Ban QLDA Đường sắt; tất cả những hợp đồng thầu phụ nào chưa ký phải ký lại và chuyển tất cả các hợp đồng thầu phụ về Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thẩm tra; công bố tên tuổi từ giám đốc điều hành, giám đốc kỹ thuật, giám đốc an toàn, giám đốc dự toán của dự án để có sự phối hợp làm việc giữa các bên; căn cứ vào tiến độ tổng thể và tiến độ chi tiết để chỉ đạo thi công và báo cáo định kỳ (sản lượng hàng tháng, giải ngân hàng tháng được bao nhiêu %) về chủ đầu tư”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng giao Ban QLDA Đường sắt cùng Tổng thầu rà soát lại tất cả các nhà thầu, làm việc với từng nhà thầu để đánh giá lại năng lực điều hành, năng lực tài chính, năng lực con người. Trước mắt là 3 nhà thầu làm 7 nhà ga, nhà thầu lao lắp dầm và nhà thầu thực hiện khu Depot.....
Ý kiến bạn đọc