Tịch thu xe vi phạm: Cân nhắc tới văn hóa giao thông và rượu bia ở Việt Nam

06:43, 08/03/2015
|

(VnMedia) - "Tôi cho rằng việc cân nhắc tới mức phạt cao hơn là hợp lý. Vấn đề là nên áp dụng trong những trường hợp nào cho phù hợp với văn hóa giao thông và rượu bia ở Việt Nam", TS. Tô Văn Hòa, Trưởng Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội trao đổi.

>> Tịch thu xe vi phạm: Quyết định ngay trong tháng 3
>> "Chế tài răn đe không nhằm phạt công dân"
>>  Bộ trưởng "đòi" tịch thu xe, người dân nêu ý kiến 
>>   Tịch thu ô tô nếu trong máu tài xế nhiều cồn  

- Là một nhà nghiên cứu luật học, ông bình luận gì về đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm nồng độ cồn mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra?

TS. Tô Văn Hòa, Trưởng Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội: Mức phạt cao nhất Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất đã dựa trên mối quan ngại rõ ràng và có phân tích cụ thể tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vừa qua.

Việc uống rượu bia lưu thông trên đường là vi phạm rất nặng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tính mạng của người lái xe mà cả những người xung quanh, vì thế không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước đều rất quan tâm.

Chế tài với hình thức vi phạm này tôi nghĩ là ở các quốc gia phát triển họ rất coi trọng, có những nước còn có những chế tài hình sự như phạt tù, phạt tiền rất nặng. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất mức xử phạt cao như vậy.

Về mặt tinh thần chung, tôi cho rằng trước tình trạng chuyển biến xấu đi thì việc cân nhắc tới mức phạt cao hơn là hợp lý. Vấn đề là mức xử phạt cao hơn đó nên áp dụng trong những trường hợp như thế nào cho phù hợp, hợp lý với thực trạng về vi phạm an toàn giao thông (ATGT) và văn hóa giao thông, văn hóa rượu bia ở Việt Nam.

  Ảnh minh họa

Cảnh sát giao thông kiểm tra người lái xe vi phạm nồng độ cồn.

- Một số ý kiến cho rằng, đề xuất trên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân trong Hiến pháp 2013, ông nói sao về điều này?

Nếu xét ở góc độ pháp lý, ta phải phân biệt một bên là giá trị cao của tài sản có thể bị tịch thu. Một bên là quyền bảo hộ tài sản đó trong pháp luật. Khi đưa ra luật này thì yếu tố giá trị tài sản không được cân nhắc ở đây.

Trong Hiến pháp 2013 quyền bảo hộ tài sản là rất cao nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng pháp luật có những chế tài liên quan đến tài sản vi phạm mà không kể đến giá trị của nó như thế nào.

Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định về việc xử lý tài sản vi phạm, Bộ luật Hình sự cũng có những quy định tương tự nên ở đây về mặt pháp lý và hiến định trong văn bản quy định thì những đề xuất này không vi phạm hiến pháp.

- Thông thường thì việc tịch thu phương tiện phải có quyết định của tòa án. Vậy nếu thực hiện chế tài này sẽ gặp khó khăn?

Việc xử lý vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các cơ quan có thẩm quyền hành chính có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài trong đó có chế tài tịch thu tang vật vi phạm. Vì thế trong hệ thống pháp luật Việt Nam có thiết kế theo cách là việc tịch thu do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.

Nếu có khiếu nại sẽ tiến hành kiện theo tố tụng hành chính ra tòa, tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp của quyết định đó. Chính vì thế, vào lúc tịch thu, không cần quyết định tòa án mà tòa sẽ phân xử quyết định tịch thu đó có hợp pháp hay không theo khiếu kiện của người bị xử phạt.

Về thuận lợi, có thể nói tôi cho rằng bước đầu thể hiện có sự đồng thuận của xã hội vì thực trạng uống rượu bia đang rất nhức nhối, gây hại cho bản thân, cho xã hội. Vấn đề còn lại là mức phạt như thế có quá cao hay không? Đấy là điều chúng ta cần cân nhắc.

Về thách thức ta cũng phải cân nhắc, Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định về thẩm quyền vì không phải cấp nào cũng được tịch thu phương tiện có giá trị cao. Ví dụ cấp Giám đốc Công an tỉnh chỉ được tịch thu phương tiện tương đương mức phạt tiền chẳng hạn thì khi đó không được thu phương tiện có giá trị cao hơn. Đấy là vấn đề về lập pháp sẽ có những thách thức như vậy.

- Có ý kiến cho rằng mức phạt trên là quá cứng nhắc nhất là các trường hợp xe không chính chủ. Ô tô là tài sản lớn nếu vi phạm lần đầu tịch thu có quá nặng, nhất là nếu phương tiện không thuộc quyền sở hữu của lái xe?

Xe không chính chủ là thực tế ở Việt Nam, khi xây dựng quy định cần tính đến vì ở Việt Nam việc cho mượn xe rất nhiều. Người cho mượn xe cũng khó kiểm soát được và ra điều kiện là người mượn xe không được uống rượu bia.

Nhưng phải thấy người uống rượu bia lái xe có khả năng gây ra tai nạn, gây nguy hiểm cho xã hội. Có thể tách bạch mối quan hệ giữa người cho mượn xe và người vi phạm thì sẽ giải quyết được.

Một mặt mức chế tài dành cho người vi phạm, mặt khác người vi phạm đó phải có trách nhiệm đối với người bị nạn nói chung mà còn phải có trách nhiệm đối với người đã cho mượn xe dưới dạng trách nhiệm dân sự vừa là bảo vệ cho người cho mượn xe vì ở đây người cho mượn xe không có lỗi họ cũng không kiểm soát được người mượn có uống rượu bia hay không.

Về việc vi phạm lần đầu, ở đây không phải vi phạm lần đầu gây tai nạn mới là vi phạm mà là khi uống rượu bia mà lái xe đã vi phạm rồi. Vì thế tôi cho rằng mức phạt vi phạm lần đầu nặng như vậy, nhất là việc thu giữ phương tiện, tôi cho rằng cũng là nặng. Ở đây cần tính đến yếu tố tái phạm, ý thức của người lái xe có thể là lần thứ 3 lần thứ 4. Tất nhiên cũng phải tính đến khó khăn là về việc lực lượng CSGT sẽ phải theo dõi hồ sơ.


Vạn Xuân - (ghi)

Ý kiến bạn đọc