(VnMedia) - Việc giáo viên chủ nhiệm trao quá nhiều quyền cho lớp trưởng ngay từ khi các em còn rất nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có bạo lực tinh thần.
Lớp trưởng: Nỗi ám ảnh tinh thần
Những ngày gần đây, dư luận hết sức bất bình trước vụ việc một nữ lớp trưởng đã tổ chức và trực tiếp tham gia đánh dã man một bạn gái cùng lớp. Điều này lại một lần nữa cho thấy các em phần nào có sự ảo tưởng về quyền hành của mình, trong khi những học sinh khác cũng luôn sợ hãi quyền lực đó.
Chị Quyên, mẹ cháu Hải Anh lâu nay rất bức xúc, xót xa khi con gái mình (đang học lớp 3) kể bị “tẩy chay” ở lớp. Người cầm đầu xui các bạn tẩy chay con gái chị chính là bạn nữ lớp trưởng.
“Bạn ấy rất có uy quyền ở lớp. Nếu bạn nào không nghe theo bạn ấy thì sẽ bị bạn ấy ghi tên vào sổ trừ điểm thi đua. Ở trong lớp, chỉ cần hơi nhúc nhích, thậm chí đánh rơi bút mà cúi xuống nhặt cũng sẽ bị bạn ấy ghi vào sổ. Dựa vào đó, cô sẽ trách phạt hoặc gửi tin nhắn “vô kỷ luật” về cho bố mẹ nên ai cũng sợ. Khi bạn ấy ghét ai, bạn ấy sẽ yêu cầu những bạn khác không được chơi với người đó.” - bé Hải Anh kể.
Và nguyên nhân mà Hải Anh bị lớp trưởng ghét, đó là vì em học giỏi. Lớp trưởng cũng là một cô bé học tốt, lại thường được cô chủ nhiệm “ưu tiên” nên thường xuyên được điểm cao nhất nhì lớp. Tuy nhiên, Hải Anh học có phần nhỉnh hơn lớp trưởng nên đôi khi được điểm cao hơn. Đặc biệt, Hải Anh còn nhiều lần đoạt giải trong các cuộc thi, khi thì chỉ là giải trường, có lúc là giải quận…
“Mỗi lần cháu đoạt giải hay điểm cao hơn lớp trưởng là bạn ấy lập tức tỏ thái độ rất khó chịu. Bạn ấy thậm chí còn chế giễu cháu, nói tục với cháu, cấm các bạn khác chơi với cháu. Tuy bạn ấy chưa dám đánh cháu lần nào vì cháu to cao hơn bạn ấy, nhưng cháu rất buồn vì có ít bạn dám chơi với cháu. Trong lớp cháu có nhiều bạn bị lớp trưởng bắt nạt, có bạn bị bắt gọi lớp trưởng bằng chị, có bạn còn bị lớp trưởng ra lệnh tự tát vào mặt khi phạm lỗi” – Hải Anh bức xúc kể.
Qua lời kể của con, chị Quyên đã cất công tìm hiểu thì được biết, xung quanh lớp trưởng luôn có một đội ngũ “đệ tử” rất nghe lời mình. Do đó, khi có chuyện gì, nếu Hải Anh báo cáo cho cô chủ nhiệm thì lớp trưởng cũng cãi bay cãi biến và những “đệ tử” của lớp trưởng sẽ đứng ra làm chứng. Hải Anh vì thế nhiều lần chịu oan ức, còn cô giáo thì vẫn luôn tuyệt đối tin tưởng lớp trưởng.
Việc trao quá nhiều quyền lực cho lớp trưởng có thể là mầm mống dẫn đến bạo lực học đường |
Mới đây, con gái chị Thu Uyên cũng đã vô cùng ấm ức khi không được chọn kết nạp vào Đội đợt đầu tiên, mặc dù con học giỏi, đạt nhiều thành tích ở cấp trường và cấp quận. Theo giải thích của cô giáo thì khi chọn học sinh để kết nạp, cô đã để cả lớp tự bỏ phiếu và hầu hết các bạn không bỏ phiếu cho con chị.
Tìm hiểu thì chị được biết, bạn lớp trưởng vì luôn ghen tị với thành tích của con chị nên đã “cấm” các bạn khác bỏ phiếu bầu cho “đối thủ”. Cô bé đã về nhà khóc sướt mướt và nhờ mẹ can thiệp. Chị Thu Uyên sau đó đã phải gọi điện trao đổi với giáo viên, và cô giáo thừa nhận đã không xử lý tốt vụ bỏ phiếu, gây mất công bằng với học sinh.
Tình trạng lớp trưởng “lộng quyền” diễn ra hầu như ở tất cả các cấp học, đặc biệt là cấp tiểu học và Trung học cơ sở.
Trần Quang, học sinh lớp 8 của một trường Trung học Cơ sở tại Hà Nội cho biết, từ hôi tiểu học đến nay, em đã chứng kiến rất nhiều hiện tượng lớp trưởng “bắt nạt” các bạn khác bằng nhiều hình thức.
“Các bạn ấy thường hay quát nạt chúng cháu bằng giọng rất khó nghe. Đặc biệt là bọn con trai, vì chúng cháu thường nghịch ngợm hơn các bạn gái. Nhưng nhiều khi chúng cháu chẳng làm gì mà các bạn ấy cũng ghi sổ đầu bài, mách cô… khiến chúng cháu bị cả cô giáo và bố mẹ phạt oan. Nếu chúng cháu có thanh minh thì cô giáo sẽ không tin mà chỉ tin lớp trưởng. Vì thế, chúng cháu biết là không nên “cãi lại” lớp trưởng và thường phải nịnh các bạn ấy để khỏi phiền phức. Nhưng thực sự thì cháu rất ghét các bạn lớp trưởng (hầu hết là nữ). Có lúc, cháu ghét cả cô giáo vì lúc nao cũng bênh lớp trưởng. Cho đến nay, cháu đã học cấp II rồi nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi” - Trần Quang ấm ức kể.
Một bạn gái tên Tuệ Nhi học cùng lớp của Trần Quang thì cho biết, con gái cũng có nỗi khổ riêng. Bạn lớp trưởng, do thích một bạn trai mà bạn trai đó lại có vẻ thích Tuệ Nhi nên lớp trưởng đã kêu gọi các bạn khác tẩy chay Tuệ Nhi. Nhiều bạn yêu quý và thương Tuệ Nhi cũng chỉ dám “lén lút” chơi với Tuệ Nhi vì sợ lớp trưởng biết.
Không trao "đặc quyền" cho lớp trưởng
Việc trao quá nhiều quyền cho một học sinh (cụ thể là lớp trưởng) là một điều rất không nên. Đặc biệt, việc để một học sinh làm lớp trưởng suốt năm học, thậm chí nhiều năm, sẽ mang lại rất nhiều tai hại.
Điều đáng nói, tác hại đầu tiên của việc này lại gây cho chính em lớp trưởng đó, bởi cảm giác có “đặc quyền, đặc lợi” ngay từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của các em sau này. Ngoài ra, nó cũng làm cho các học sinh khác dễ có tâm lý bất mãn, không tin tưởng vào sự công bằng, nảy sinh cái nhìn tiêu cực vào cuộc sống.
Đành rằng, việc giáo viên chủ nhiệm quá bận nên muốn san sẻ bớt công việc cho cán bộ lớp, tuy nhiên, cách trao quá nhiều quyền cho lớp trưởng có thể giúp các cô dễ quản lý nhưng lại gây nhiều hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là trong thực tế, giáo viên chưa coi trọng hoặc chưa đủ kiến thức giúp các em có kỹ năng lãnh đạo đúng nghĩa.
Trao đổi với người viết bài, một giáo viên trẻ ở cấp tiểu học cho biết, cô không bao giờ để một học sinh làm lớp trưởng hay tổ trưởng trong thời gian dài mà cho các em luân phiên làm từng tháng để mọi học sinh đều có cơ hội thể hiện khả năng, bản lĩnh của mình. Ngoài ra, cách làm này cũng là động lực để mọi học sinh cố gắng phấn đấu. “Các em cán bộ sẽ không dám có thái độ không tốt với bạn, bởi tháng sau, rất có thể bạn đó sẽ lại làm “sếp” của mình. Không khí trong lớp vì thế rất vui vẻ, bình đẳng.” – giáo viên này chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc