(VnMedia) - "Mưa lũ dị thường không lường trước được nên không thể không xả! Vì không xả thì sẽ vượt mức nước cho phép của hồ và làm nguy cơ vỡ đập. Nếu mà để vỡ hồ thì đại hoạ!” - PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh TT Huế cho biết.
>> Thủy điện xả lũ đột ngột, người dân thiệt nặng
Những đợt lũ bất thường vừa qua xảy ra tại khu vực các tỉnh Miền Trung đã gây thiệt hại nghiêm trong cho người nông dân, nhất là tại thời điểm khi mà mùa vụ thu hoạch đang đến gần. Những đợt mưa to được đánh giá là chưa từng thấy tại thời điểm này báo hiệu sự biến đổi khí hậu đang dần ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Lũ dị thường chưa từng thấy trong những năm gần đây
Theo báo cáo từ Trung tâm Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh TT Huế, từ ngày 25/3 đến ngày 27/3, mưa to diễn ra trên diện rộng tại khu vực Tà Lương (huyện A Lưới) và Bạch Mã (huyện Phú Lộc) tỉnh TT Huế với lưu lượng cao bất thường được ghi nhận là chưa từng thấy trong những năm gần đây.
Từ 1h ngày 25/3 đến 13h ngày 27/3, tại Trạm Tà Lương ( thượng nguồn sông Bồ) lượng mưa đạt 380mm, tại trạm A Lưới là 269mm, tại Bạch Mã 625mm. Tại hồ Hương Điền, lưu lượng đến 510m3/s, lưu lượng xả về hạ du 400m3/s (lưu lượng đến lớn nhất trong khoảng 0h ngày 27/3 đến 5h ngày 27/3 là từ 728m3/s đến 1.735m3/s; lưu lượng xả về từ 6h ngày 27/3 đến 9h ngày 27/3 là 500m3/s đến 884m3/s)
Tại hồ A Lưới lưu lượng đến 96m3/s, lưu lượng đi 42m3/s. Hồ Bình Điền lưu lượng đến 227m3/s, lưu lượng đi 44m3/s.
Theo báo cáo nhanh cho biết, toàn tỉnh TT Huế có 1.127 ha lúa bị ngập úng, trong đó huyện Phú Lộc có 140ha. Huyện Quảng Điền có 800ha bị ngập úng tại 4 địa phương thị trấn Sịa, Quảng An, Quảng Vinh, Quảng Thọ. Thị xã Hương Trà có 80 ha tại 2 phường Hương Xuân, Hương Văn. Tại huyện Phong Điền, lưu vực sông Ô Lâu có 117 ha ở 4 xã Phong Hoà, Phong Bình, Phong Thu và thị trấn Phong Điền bị ngập úng.
Toàn tỉnh TT Huế có 106,5 ha hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó huyện Quảng Điền 32 ha, thị xã Hương Trà thiệt hại 6 ha, huyện Phong Điền ngập úng 58 ha cùng với đó là 6,5 ha ao hồ nuôi trồng thuỷ sản tại TT Sịa (huyện Quảng Điền) bị ngập nước.
Những ngày qua, lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo cho các địa phương tiến hành các biện pháp tháo nước chống úng như mở các cống quai đê, đóng tất cả các cống vùng nội đồng…
|
Ruộng đồng hạ du sông Bồ ( TT Huế) biến thành biển nước |
Tại tỉnh Quảng Nam, lũ về bất ngờ trong ngày 28/3 cũng khiến hàng trăm hécta hoa màu của người dân dọc sông Vu Gia tại các xã thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị ngập úng hư hại nặng. Mưa trái mùa cũng khiến tôm nuôi chết nhiều ở huyện Điện Bàn.
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, từ ngày 24 – 28/3, các địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm. Một số nơi xảy ra mưa to như huyện Hiệp Đức 593mm, Nông Sơn 480mm, Tiên Phước 473mm, Phước Sơn 402mm…
Ước tính thiệt hại sơ bộ do lũ gây ra đến cuối ngày 28/3 tại các huyện Duy Xuyên, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn là hơn 81 tỷ đồng. Theo đó, 130 ha lúa hư hỏng hoàn toàn, 2.781 ha lúa bị ngập, ngã đổ và hơn 1.559 ha hoa màu bị hư hại.
Ông Trần Kim Thành- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh TT Huế đánh giá:“ Mưa bất thường quá, hàng trăm năm nay là chưa thấy, hết sức là dị thường. Lũ về nhanh nhiều vậy là do mưa quá to, quá lớn trong một thời gian quá ngắn, tương đương với lũ chính vụ.”
Thuỷ điện không tiên lượng được
Về việc thuỷ điện Hương Điền xả lũ đột ngột vào sáng 27/3 khiến người dân khu vực hạ du sông Bồ ở huyện Quảng Điện không kịp trở tay, gây thiệt hại nặng về nông nghiệp như báo VNmedia đã phản ánh trước đó, ông Trần Kim Thành cho biết: “Về việc xả lũ, thuỷ điện Hương Điền có báo cáo cho Ban chỉ huy PCTT và TKCN vào lúc 4h rưỡi sáng (27/3), BCH PCTT đã điện thoại cho các huyện liên quan, và nhà máy thuỷ điện cũng báo cáo về cho các địa phương thông báo bằng điện thoại”.
|
Người nông dân hạ du sông Vu Gia (huyện Đại Lộc - Quảng Nam) đau xót nhìn cảnh hàng chục ha dưa hấu đến ngày thu hoạch bị mất trắng do lũ. |
Ông Thành cho biết thêm: “Bây giờ đang là mùa kiệt nên cơ chế vận hành thuỷ điện là theo mùa kiệt. Trong một ngày đầu thì nước về lai rai nên giữ lại phát điện. Đến đêm 27/3, mưa to một trận quá bất thường không ai nghĩ đến và không thể dự đoán được! Lúc đó có chỉ đạo giữ lại một số chứ không xả hết. Giữ lại rồi đưa về dần dần, tính ra là 80 triệu m khối nước, giữ trong hồ 50 triệu (m3) và xả dần dần 30 triệu (m3). Nếu xả cả 80 triệu (m3) thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn nữa. Hạn chế tối đa thiệt hại nhưng không thể không xả! Vì không xả thì sẽ vượt mức nước cho phép của hồ và làm nguy cơ vỡ đập. Nếu mà để vỡ hồ thì đại hoạ!”.
Ông Phan Thanh Hùng- Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh TT Huế trả lời báo chí trước đó giải thích: “Trước khi xả lũ, chúng tôi cũng đã có thông báo về chính quyền các huyện nhưng có thể do huyện thông báo chậm trễ với các xã và người dân.”
Giải thích về nguyên nhân xuất hiện những đợt mưa lũ bất thường vừa qua, ông Trần Kim Thành cho biết:“ Do biến đổi khí hậu, đợt mưa lũ vừa rồi xảy ra tại Miền Trung, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, TT Huế... Trung tâm khí tượng thuỷ văn cũng rất khó dự đoán được”.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đánh giá, về nguyên nhân khiến nước lũ về nhanh như vừa qua là do lượng mưa đầu nguồn quá lớn, tuy nhiên việc rừng đầu nguồn bị phá cũng là một nguyên nhân dẫn đến như vậy.
“Một số rừng bây giờ là khai thác không theo băng, theo ải, bây giờ rừng bị bào mòn nhiều quá, nước chảy xuống rất nhanh. Nước bây giờ đổ ra sau mấy tiếng đồng hồ là về rất nhanh, trước đây là ít nhất mưa 24 tiếng đồng hồ sau thì nước mới xuống, giờ mưa xong thì nước xuống luôn. Nói chung là cây rừng, mật độ rừng cũng bị hạ dần.”- Ông Mẫn nhận định.
Ý kiến bạn đọc