Lấn sông chảy qua 11 tỉnh: Đồng Nai "một mình một chợ"

08:32, 28/03/2015
|

(VnMedia) - Mặc dù sông Đồng Nai chảy qua lưu vực 11 tỉnh, thành phố nhưng UBND tỉnh Đồng Nai đã đơn phương cho phép thực hiện dự án lấn sông mà không hề xin ý kiến các địa phương liên quan, cũng không xin ý kiến Bộ TN&MT...

>> Kiến nghị dừng ngay dự án “lấn” sông Đồng Nai

Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều thông tin về việc triển khai Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (đoạn từ Công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa). Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Kiến trúc xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư.

Điều đặc biệt nghiêm trọng là trong quá trình thi công, dự án đã san lấp gây cản trở dòng chảy của sông Đồng Nai, tác động xấu đến môi trường và đời sống nhân dân trong khu vực dự án.

Chiều 27/3, tại cuộc  họp báo, nhiều câu hỏi về Dự án lấn sông Đồng Nai đã được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp.

Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bảy cho biết, có tới 90% đất của dự án (7,7 ha) là do lấn sông Đồng Nai, một phần diện tích còn lại ít nhiều cũng nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai.  Vì vậy, Dự án này ngoài việc tuân theo các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường thì còn chịu sự chi phối của Luật Tài nguyên nước. 

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai: Bộ Tài nguyên và Môi trường không nhận được bất kỳ báo cáo nào từ Đồng Nai


Khẳng định lại điều này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh, việc lấn sông Đồng Nai với diện tích 7,7ha để xây dựng khu đô thị ven sông cần phải thực hiện, tuân thủ Luật Tài nguyên nước bởi cứ liên quan đến sông, hồ là phải chịu sự chi phối của Luật này.

Thứ trưởng cũng cho biết, các nhà khoa học, chuyên gia đều thấy rằng dự án này có khả năng ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và dòng chảy bởi sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh, thành phố.

“Khi biết thông tin triển khai dự án này qua thông tin đại chúng, về mặt chính thức, thẩm quyền còn phải làm rõ xem thuộc thẩm quyền của ai, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường không nhận được bất kỳ báo cáo nào từ Đồng Nai” – Thứ trưởng khẳng định và cho biết thêm: “Khi biết, chúng tôi đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cung cấp thông tin, cử đoàn công tác kiểm tra thực địa, thu thập số liệu tính toán.”

Theo Thứ trưởng, mặc dù tỉnh Đồng Nai cho rằng trình tự thủ tục đã làm đúng theo pháp luật, báo cáo đánh giá tác động cho thấy tác động dòng chảy không đáng kể, nhưng trong quy định của Luật có các điều cấm, vì vậy, hiện nay lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo lĩnh vực tài nguyên nước, lĩnh vực môi trường rà soát lại xem thẩm quyền phê duyệt.

“Tôi nghĩ dự án này đương nhiên có tác động tới dòng sông Đồng Nai, mức tác động đến đâu phải đánh giá cẩn trọng. Bộ đang thu thập số liệu, khẩn trương tính toán, báo cáo tác động tới sông Đồng Nai, báo cáo ĐTM về san lấp 7,7ha. Kết quả này sẽ báo cáo Thủ tướng và sẽ cung cấp cho báo chí, cung cấp cho tỉnh Đồng Nai.” – Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vụ việc, ngày hôm qua (27/3), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy mô của Dự án đã được công bố, thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án thuộc về UBND tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, Bộ đề nghị UBND cáo báo cáo cụ thể về tình hình triển khai Dự án, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với quá trình phát triển kinh tế của 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực, quan trọng nhất là chức năng cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân thuộc vùng hạ lưu. Do vậy, việc triển khai các dự án đầu tư phát triển có nguy cơ gây tác động xấu đến chất lượng nguồn nước của hệ thống sông trong phạm vi dự án và tham vấn ý kiến các địa phương nằm ở hạ nguồn lưu vực sông.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND  tỉnh Đồng Nai tham vấn  ý kiến của Ủy ban  bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đặc biệt là ý kiến của các địa phương thuộc vùng hạ lưu là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,  Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước đó, mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) vừa đưa ra những phân tích đầy lo ngại đối với việc triển khai ồ ạt thi công dự án lấn sông Đồng Nai và đề nghị UBND Tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án .

Theo đánh giá của VRN, các công trình thủy điện cũng như sự phát triển các khu công nghiệp và đô thị ven sông Đồng Nai như hiện nay đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và xã hội trong lưu vực, đó là những mất mát không thể hoán đổi và cũng chưa thể có những giải pháp tích cực để giảm thiểu đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của các cộng đồng.

“Việc tiếp tục xây dựng và phát triển ồ ạt các cụm công nghiệp nhà máy ven sông hay các công trình đô thị, trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, cao ốc văn phòng, nhà hàng cũng như dự án lấn sông “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh đồng Nai”… sẽ tiếp tục đẩy con sông Đồng Nai vào tình trạng tồi tệ hơn về môi trường, sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của cả lưu vực" - VRN nhấn mạnh.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc