(VnMedia) - Đó là quan điểm của ông Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp khi nói về đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm nồng độ cồn tại hội thảo “Giảm thiểu tai nạn giao thông: Tịch thu bằng chế tài mạnh, pháp lý và thực tiễn” sáng 11/3.
>> Đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương ủng hộ tịch thu xe vi phạm
>> Tịch thu xe vi phạm: Cân nhắc tới văn hóa giao thông và rượu bia
>> Tịch thu xe vi phạm: Quyết định ngay trong tháng 3
>> "Chế tài răn đe không nhằm phạt công dân"
>> Bộ trưởng "đòi" tịch thu xe, người dân nêu ý kiến
>> Tịch thu ô tô nếu trong máu tài xế nhiều cồn
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp Phan Hữu Thư cho biết, ông ủng hộ chế tài phạt nặng người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
Tuy nhiên, ông Thư lưu ý Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về tính khả thi khi đưa ra đề xuất trên. “Bằng cách này tôi thấy tính khả thi không cao. Vì văn bản này có ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chẳng nhẽ cả nhà họ có cái xe, chỉ uống vài chén rượu và lại bị thu mất”, ông Thư nói.
Ông Thư cho rằng, chúng ta đang nhầm tưởng cứ phạt nặng là hết tai nạn. “Việc phạt nặng hay nhẹ nên phụ thuộc vào lỗi của người vi phạm. Vi phạm càng nhiều thì chế tài càng nặng, không loại trừ việc tịch thu phương tiện”, ông Thư nói.
Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Minh, chuyên gia với 10 năm kinh nghiệm về quy hoạch giao thông tại Anh cũng cho rằng, chỉ nên tịch thu xe khi tài xế tái phạm nặng hơn.
Theo ông Minh, nhiều nước đã coi việc lái xe trong điều kiện nồng độ cồn vượt mức cho phép còn bị xem là tội phạm, vì uy hiếp đến sự an toàn của nhiều người dân. Vì vậy, các nước trên thế giới tạm giữ xe rất nhiều, tịch thu xe cũng rất nhiều. Ví dụ ở Mỹ có 32/52 bang áp dụng lệnh tịch thu xe liên quan đến lái xe uống rượu bia, nhiều nước cũng tịch thu xe nếu lái xe vi phạm lần 3.
Theo ông Minh, việc áp dụng giải pháp tịch thu xe đối với lái xe vi phạm về nồng độ cồn ở Việt Nam cần theo xu hướng của các nước.
“Có thể áp dụng chế tài tịch thu xe đối với lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; lái xe vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, như nồng độ cồn cho phép là 80mg/100ml máu mà nồng độ cồn của lái xe gấp 3-4 lần nồng độ cho phép, tức là lúc đó anh đã hoàn toàn mất kiểm soát, có thể gây tai nạn “giết” bất cứ ai trên đường thì phải tịch thu xe ngay; lái xe chống người thi hành công vụ, không dừng xe để đo nồng độ cồn, tức là coi thường kỷ cương”, ông Minh đề xuất.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của chủ phương tiện vi phạm. |
Không trái luật nhưng chưa chắc phù hợp với Hiến pháp
Quan tâm đến một khía cạnh khác dư luận đang băn khoăn trong thời gian vừa qua về việc đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn là trái luật và vi hiến, luật sư Trần Vũ Hải, Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải khẳng định, đề xuất trên không trái luật nhưng có phù hợp với Hiến pháp hay không thì phải xem xét.
Luật sư Hải cho rằng đây là giải pháp “sốc”, ảnh hưởng đến môi trường pháp lý của Việt Nam nhưng trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2002) có quy định tại điều 40 và 41 về tịch thu tài sản. Điều 254 tại Bộ luật Dân sự cũng quy định về tài sản bị tịch thu do Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, mặc dù chưa hoàn toàn rõ và dễ gây tranh cãi.
“Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng có điều 26 quy định về tịch thu phương tiện vi phạm. Ở đây, hành vi say xỉn, lái xe gây tai nạn thì phương tiện liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm nhưng mức độ nghiêm trọng thế nào chưa qui định rõ”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, về cơ bản, đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban ATGT quốc gia không trái với các quy định của Bộ luật Dân sự, không khác với quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự. Nhưng đề xuất này có phù hợp với Hiến pháp 2013 hay không, cần phải được các chuyên gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến.
Để đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia được áp dụng vào thực tiễn, ông Hải kiến nghị cần giải thích rõ trong nghị định thế nào là sử dụng trái phép, thế nào là cố ý để người khác điều khiển xe, những trường hợp: thuê, mượn, thế chấp… sẽ xử lý thế nào?
Trước lo ngại tăng quyền cho Cảnh sát giao thông sẽ làm gia tăng tình trạng đưa và nhận hối lộ, ông Hải kiến nghị chỉ nên giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện hay Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định tịch thu phương tiện, vì thường Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban ATGT địa phương, chứ không nên để cho Cảnh sát giao thông ra quyết định, tức là chính quyền phải tham gia giám sát việc này.
“Việc kiểm tra nồng độ cồn còn phải theo kế hoạch, quy trình được Chủ tịch UBND cấp tỉnh thông qua, quay video làm chứng để tránh tiêu cực”, ông Hải kiến nghị.
Ý kiến bạn đọc